Quy Nhơn mát dịu, trong lành
Như khá nhiều đô thị ở miền Trung, Quy Nhơn được mệnh danh là thành phố biển, nhưng không chỉ có vậy, mấy năm gần đây Quy Nhơn được nhận diện đặc biệt bởi môi trường mát dịu, trong lành.
Mở từ nhiều hướng, dành cơ hội cho khu vực phía sau
Câu chuyện TP Quy Nhơn “mát mẻ” trở nên sôi nổi trong đợt nắng nóng kỷ lục trên cả nước vào đợt nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua. Ông Nguyễn Đăng Hùng, Giám đốc Ðài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Ðịnh xác nhận, câu chuyện khí hậu mát mẻ của Quy Nhơn cũng trở thành đề tài thảo luận tại cuộc họp mới đây của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) khi các nơi thời tiết từ 36 độ C trở lên, thậm chí 40 độ C thì tại Quy Nhơn chỉ xoay quanh mức 30 độ C.
“Chủ yếu là nhờ ảnh hưởng của gió Đông Nam tại khu vực TP Quy Nhơn năm nay khá mạnh. Gió Đông Nam thổi từ biển vào, do đó khí hậu thành phố dịu mát hẳn. Bên cạnh đó, cũng còn có sự tác động của hệ thống cây xanh đô thị mà thành phố đã ưu tiên đầu tư, phát triển trong nhiều năm qua, đặc biệt dải cây xanh dọc đường Nguyễn Tất Thành, Xuân Diệu, An Dương Vương, Ngô Mây, Chương Dương…”, ông Hùng phân tích.
Thời gian qua, 12 phường nội thành đã tập trung vào các đồ án chỉnh trang đô thị, sử dụng quỹ đất hợp lý nhằm phát triển đô thị theo trục quy hoạch đô thị hướng ra biển. Các trục đường chính Nguyễn Tất Thành, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Xuân Diệu... đã và đang được thông tuyến ra biển để tạo thành những hành lang đưa gió từ biển đi xuyên qua thành phố, biến đường phố thành những luồng điều hòa khí hậu tự nhiên.
Trục quy hoạch đô thị xuyên suốt của TP Quy Nhơn là tầm nhìn quy hoạch để hướng ra biển. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam xác nhận trong các quy hoạch quan trọng của vịnh Quy Nhơn trước đây và quy hoạch 12 phường nội thành thành phố vài năm trở lại đây đều xác lập trên nền “sở hữu” các yếu tố cảnh quan đắt giá, gồm: Đường bờ biển; các điểm cao để khai thác và đa dạng hóa cảnh quan như núi Xuân Vân, núi Bà Hỏa, sườn Đông núi Vũng Chua…; các trục giao thông hướng Tây Bắc -Đông Nam như đường Tây Sơn, đường Ngô Mây, đường Chương Dương là hành lang thông gió đô thị.
Cùng với đó, có thể thấy rằng Quy Nhơn giữ gìn, duy trì, bảo vệ và phát triển khá tốt những khu vực có yếu tố cảnh quan tác động tích cực đến vấn đề điều hòa những tiểu vùng khí hậu trong đô thị. Đó là trục công viên bám biển từ núi Xuân Vân đến quảng trường Nguyễn Tất Thành; Quảng trường Nguyễn Tất Thành kết nối với các trục đường và dải công viên dọc trục đường Nguyễn Tất Thành; trục công viên bám biển dọc tuyến đường Xuân Diệu từ Công viên Thiếu nhi kéo dài về phía Đông Bắc đến Mũi Tấn.
Việc kiểm soát không gian kiến trúc khu vực ven biển Quy Nhơn cũng được thực hiện trên 3 khu vực điểm nhấn chính. Đó là khu phức hợp 01 Ngô Mây cao từ 40 - 50 tầng; khu Bệnh viện Quân y 13 chuyển đổi và khu vực E655 cao tối đa đến khoảng 30 tầng; khu vực đường Nguyễn Huệ chiều cao tối đa 30 tầng; các khu vực còn lại có chiều cao dưới 20 tầng. Phát triển tầng cao ven biển tại Quy Nhơn, ngoài việc quan tâm tới tầng cao công trình, còn phải kết hợp với phông nền là độ cao của các đỉnh núi trong đô thị như núi Bà Hỏa, núi Vũng Chua, núi Xuân Vân… Chưa kể hệ thống sông, đầm bao bọc thành phố…
“Nếu không quy hoạch bài bản thì trục ven biển Quy Nhơn sẽ vấp phải các vấn đề về kiểm soát phát triển cao tầng dọc bờ biển như các thành phố: Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu…”, ông Nam chia sẻ.
“Rừng” trong phố
Chuyên gia trên lĩnh vực kiến trúc, kiến trúc sư Nguyễn Trọng Tường Trang, Giám đốc sáng tạo Công ty TNHH Trúc Khánh Hưng và Cộng sự (tỉnh Khánh Hòa) kể lại kỷ niệm của chuyến du lịch kết hợp công việc của gia đình ông tại TP Quy Nhơn cuối tháng 4 vừa rồi. Hai con nhỏ của ông rất phấn khích với nhiều công viên lớn trải dài theo toàn bộ bờ biển, phóng tầm nhìn toàn cảnh ra vịnh Quy Nhơn.
“Còn tôi thì rất ấn tượng với trục đường An Dương Vương, Xuân Diệu được quy hoạch ưu tiên bố trí toàn bộ công viên dọc sát theo bờ biển để phục vụ người dân, khiến nhiều người mơ ước. Trong bối cảnh nhiều đô thị có lợi thế biển phát triển du lịch biển, du khách đến với Quy Nhơn - Bình Định có thể nói là vì khí hậu đặc biệt, cảnh quan thiên nhiên, vì vậy phải đặc biệt bảo vệ yếu tố này”, kiến trúc sư Tường Trang nhấn mạnh.
Trục đường An Dương Vương, Xuân Diệu được quy hoạch ưu tiên công viên, cây xanh. Ảnh: M.H
UBND TP Quy Nhơn cho hay, hiện tỷ lệ đất cây xanh đô thị đạt 13 m2/người. Thành phố quy hoạch ưu tiên diện tích lớn để đầu tư xây dựng hệ thống công viên, cây xanh dọc bờ biển đường An Dương Vương (9,3 ha), Xuân Diệu (3,7 ha). Đặc biệt, hệ thống cây xanh đường Nguyễn Tất Thành và dọc hai bên đường Nguyễn Tất Thành có thể xem như “rừng cây xanh trong thành phố” mà hiện nay rất ít thành phố làm được.
Để làm được điều này, một trong những hy sinh lớn của tỉnh là dọc đường Nguyễn Tất Thành không phát triển nóng đô thị mà thay vào đó quy hoạch cây xanh. Ngay khu vực giữa đường Nguyễn Tất Thành và Phạm Hùng, từng được dự kiến phát triển nhà ở thì cũng đã được giữ lại làm dải cây xanh. Hay, khu vực công viên trước Trung tâm Hội nghị tỉnh, rất nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư công trình, nhưng tỉnh quyết giữ làm công viên.
Ông Ngô Hoàng Nam cũng cho rằng, công tác chỉnh trang đô thị là chương trình hành động lớn của Thành ủy, nên nguồn lực thành phố tập trung cho công tác này rất lớn. Đặc biệt, 2 năm gần đây, thành phố chỉ đạo Công ty CP Công viên cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn, trên tất cả khu dân cư mới do tỉnh, thành phố đầu tư có quy hoạch công viên thì chúng tôi đều đầu tư công viên cây xanh. Chỗ nào có quy hoạch công viên cây xanh thì thành phố đều trồng cây xanh!
MAI HOÀNG