Bán đấu giá tài sản thi hành án có giá trị cao: Kinh tế khó khăn, ít người quan tâm
Thời gian qua, việc thi hành một số bản án có số tiền lớn của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là tài sản bán đấu giá (bất động sản) bị “ế”, có tài sản đem ra đấu giá đến 16 lần vẫn không ai mua.
15 lần giảm giá vẫn không có người mua
Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Quy Nhơn đang thi hành bản án số 05/2022/ KDTM-PT ngày 16.2.2022 của TAND tỉnh. Theo đó, buộc vợ chồng bà H. ông B. (ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) phải trả nợ cho Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội - Chi nhánh Bình Định (SHB Bình Định) số tiền hơn 13,6 tỷ đồng. Hết thời hạn tự nguyện THA, vợ chồng bà H. không thực hiện nghĩa vụ; tháng 4.2022, Chi cục THADS TP Quy Nhơn ra quyết định THA để tiến hành xử lý tài sản thế chấp, thu hồi nợ.
Tháng 7.2022, tài sản thế chấp là nhà và quyền sử dụng đất của vợ chồng bà H. được đưa ra bán đấu giá lần đầu tiên, với mức giá khởi điểm hơn 16,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, lần bán đấu giá này không thành vì không có người mua. Tháng 8.2022, chấp hành viên (CHV) ra quyết định giảm giá tài sản lần thứ nhất, mức giảm 2%. Giá khởi điểm trong lần bán đấu giá thứ hai là hơn 16,1 tỷ đồng. Kết quả vẫn không có người mua.
Cũng vì không có ai tham gia đấu giá suốt từ đó đến nay, CHV đã phải giảm giá liên tục đối với tài sản trên. Tính đến tháng 4.2024, tài sản đã được đưa ra bán đấu giá 16 lần, với 15 lần hạ giá. Dù mức giá khởi điểm trong lần đấu giá thứ 16 chỉ hơn 13,6 tỷ đồng, giảm hơn 2,8 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm ở lần bán đầu tiên, nhưng vẫn không ai mua. Sắp tới đây, tài sản buộc phải giảm giá để bán lần thứ 17.
Tương tự, việc bán đấu giá tài sản thế chấp là nhà xưởng, máy móc nằm trên đất Nhà nước cho thuê trả tiền hằng năm của DNTN P.T (ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) thời gian qua cũng giậm chân tại chỗ. Theo đó, vào tháng 7.2022, tài sản thế chấp được đưa ra bán đấu giá lần đầu tiên với mức giá khởi điểm hơn 38 tỷ đồng. Suốt từ đó đến nay, tài sản này đã qua 14 lần đấu giá nhưng vẫn không có người mua.
Nhà và quyền sử dụng đất bán đấu giá 16 lần không có người mua. Ảnh: N.C
Ảnh hưởng đến nhiều bên
Giống như nhà đất của vợ chồng bà H., nhà xưởng của DNTN P.T. trước đây được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Phú Tài (BIDV Phú Tài) và Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Khu công nghiệp Phú Tài (Agribank Phú Tài) để đảm bảo các khoản vay. Vì vậy, việc tài sản bán đấu giá rất nhiều lần không ai mua gây ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của các ngân hàng. Đó là chưa kể đến những vấn đề phát sinh từ việc giá bán tài sản càng về sau càng hạ thấp. Như nhà xưởng của DNTN P.T, sau 13 lần giảm giá, giá bán chỉ còn hơn 24,3 tỷ đồng, thấp hơn giá khởi điểm ban đầu đến 13,7 tỷ đồng.Theo ông Nguyễn Trọng Tài, Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Quy Nhơn, Luật THADS đã quy định rõ, từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá hoặc bán không thành thì người được THA có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền được THA. Tuy nhiên thực tế rất ít ai muốn nhận tài sản để cấn trừ, dẫn đến việc phải bán đấu giá nhiều lần, khi bán xong thì số tiền thu được có khi rất thấp so với số tiền phải thi hành.
Việc giá trị tài sản bán đấu giá bị hạ thấp ảnh hưởng đến quyền lợi nhiều bên, cả bên phải THA lẫn bên được THA. “Bán tài sản xong nhưng số tiền thu được chưa trả hết nợ, bên phải THA vẫn phải có nghĩa vụ trả số nợ còn lại. Nếu xác định họ còn tài sản khác thì vẫn phải cưỡng chế kê biên để bán đấu giá, xử lý nợ. Còn đối với CHV và cơ quan THADS, để giải quyết những việc như trên mất rất nhiều thời gian, công sức”, ông Tài phân tích.
Cũng theo ông Tài, nguyên nhân của tình trạng trên phần lớn là bởi thời gian qua kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản “đóng băng”, sức mua và thanh khoản thấp. Ảnh hưởng từ thị trường chung, rất ít người quan tâm đến bất động sản là nhà đất bán đấu giá THA. Biết là bán đấu giá nhà đất trong giai đoạn này rất khó, nhưng Luật THADS đã quy định, CHV phải thực hiện.
Ông Võ Công Hoàng, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, cho biết hầu hết cá nhân, đơn vị là bên được THA (cụ thể như ngân hàng) không muốn nhận tài sản để cấn trừ, mà muốn cơ quan THADS xử lý tài sản để thu hồi tiền về. Hiện không chỉ có bất động sản khó bán mà nhiều loại tài sản khác cũng trong tình trạng tương tự. Cũng giống quan hệ cung cầu trên thị trường, khi sức mua tăng, việc bán đấu giá tài sản THA sẽ thuận lợi hơn.
NGUYỄN CHƠN