Ngăn chặn nạn tử tự trong đồng bào dân tộc thiểu số:
Nâng cao đời sống, dân trí
Nạn tự tử tồn tại trong cộng đồng dân tộc thiểu số trong tỉnh đang trở thành một hiện tượng xã hội phức tạp và đáng báo động, buộc các ngành chức năng của tỉnh và các địa phương phải vào cuộc một cách quyết liệt để tìm giải pháp.
Sinh hoạt tập thể định kỳ tại nhà rông của làng là một trong những hoạt động hiệu quả để qua đó tuyên truyền, động viên đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng nếp sống văn hóa, bài trừ hủ tục lạc hậu, nạn tự tử.
- Trong ảnh: Đồng bào làng K2, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh họp làng. Ảnh: KIỀU ANH
Giận chồng, tự tử
Buồn bực do gọi chồng đang chơi bida về nhà có việc không được, chị Đinh Thị Y (20 tuổi, đang mang thai 4 tháng, ở xã An Hưng, huyện An Lão) lặng lẽ lấy thuốc trừ sâu uống để tự tử. May mắn là chị được mọi người phát hiện, kịp thời đưa đi cấp cứu. Hay như trường hợp của chị Đinh Thị Hải (SN 1991, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh), phần vì buồn chồng suốt ngày bê tha rượu chè không chịu làm việc, phần vì gánh nặng kinh tế gia đình, đã chọn giải pháp tự tử để giải thoát cho bản thân. H. chết đi để lại 2 đứa con thơ dại.
Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2008 đến 3.2012, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 131 vụ tự tử. Riêng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã xảy ra 108 vụ, làm chết 66 người, tập trung nhiều nhất ở huyện Vĩnh Thạnh và An Lão. 3 tháng đầu năm 2013, có 7 vụ tự tử xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh và An Lão.
Nạn tự tử không chỉ xảy ra với một thành viên trong gia đình mà có vụ cả vợ chồng cùng chết, như chuyện xảy ra ở làng Cát (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) vào ngày 22.6.2012. Tối đó, anh Đinh Văn Rứt uống rượu về bị vợ càm ràm, rồi hai bên lời qua tiếng lại. Giận và tức chồng, chị Thúy tìm đến cái chết bằng thuốc trừ sâu. Sau khi tỉnh rượu, thấy vợ chết, anh Rứt hối hận cũng treo cổ chết theo.
Kết quả khảo sát cho thấy, hiện tượng tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số mang tính cá nhân nhưng xuất phát lại do tác động xã hội đưa đến. Phần lớn những người tự tử đều ở độ tuổi thanh niên, trung niên và là lao động chính trong gia đình. Lý do tự tử lại hết sức đơn giản: Vợ giận chồng, quan hệ tình cảm bị cấm cản, bị la rầy, xấu hổ... Hình thức tự tử phổ biến là uống thuốc trừ sâu, diệt cỏ (50,5%), thắt cổ (45,8%).
Gần dân, nâng cao dân trí
Tại hội thảo khoa học “Nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân và đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định” do Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức mới đây, với sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể cấp tỉnh và lãnh đạo các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp cho vấn đề này.
“Điều cần thiết bây giờ là sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm cùng tinh thần quyết tâm cao của lãnh đạo các ngành và địa phương liên quan”
Theo đại tá Trần Ngọc Thanh, Phó Giám đốc CA tỉnh, để hạn chế tình trạng tự tử hiện nay trong đồng bào dân tộc thiểu số, cần phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Đồng thời, “mỗi huyện miền núi nên thành lập một tổ tư vấn về các vấn đề vướng mắc để thường trực giải đáp, tư vấn cho những người đang có khúc mắc, bế tắc về cuộc sống riêng tư, bệnh lý; phải xây dựng quy ước và cam kết trong các hộ gia đình là không để xảy ra tự tử, tập tục lạc hậu”, ông Thanh nói.
Còn đối với huyện An Lão, địa phương có số người chết vì tự tử khá cao (từ năm 2008 đến nay xảy ra 46 vụ, làm 24 người chết), dù Huyện ủy đã 2 lần ra chỉ thị và UBND huyện lập 2 đề án ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng tình hình tự tử vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tại hội thảo, ông Phạm Văn Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Lão, đề xuất: “Các địa phương chú trọng rà soát các hộ gia đình có nguy cơ, dấu hiệu bạo lực gia đình, mâu thuẫn, hoàn cảnh khó khăn để theo dõi và có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, động viên kịp thời, song song với việc nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở”.
Theo ông Trần Công Sý, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, thì muốn ngăn chặn nạn tự tử cũng như các tập tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết phải tăng cường nâng cao dân trí cho người dân. Muốn vậy, phải xây dựng cho được lực lượng già làng, trưởng thôn thật sự có uy tín để họ giữ vai trò xung kích trong cuộc vận động về giảm thiểu tác hại của nạn tự tử, đấu tranh với những tệ nạn xã hội trong đồng bào.
Thật ra, những giải pháp nêu trên không mới và đã được đề cập đến ở nhiều cuộc họp, hội nghị bàn giải pháp, các đề án, kế hoạch ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, điều cần thiết bây giờ là sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm cùng tinh thần quyết tâm cao của lãnh đạo các ngành và địa phương liên quan để thực thi các giải pháp trên. Có như vậy mới hy vọng phòng ngừa và hạn chế hiệu quả nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số.
KIỀU ANH