Lễ hội và bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số
Lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số Bana, H’re, Chăm H’roi ở Bình Ðịnh rất đa dạng, mang bản sắc riêng, phản ánh đời sống tâm linh của đồng bào. Ðiểm chung của các lễ hội là thể hiện tín ngưỡng dân gian với giá trị cốt lõi gắn kết cộng đồng.
1. Lễ hội ăn cốm lúa mới của đồng bào Bana K’riêm huyện Vĩnh Thạnh là lễ hội có quy mô lớn được tổ chức khi lúa trên rẫy bắt đầu chín tới, bà con bước vào thu hoạch mùa vụ trong khoảng thời gian từ đầu tháng 12 năm trước đến hết tháng 3 dương lịch năm sau.
Trước ngày diễn ra lễ hội, các thiếu nữ trong làng với trang phục truyền thống lên rẫy gặt lúa vừa chín tới và cõng hồn lúa về làng, sau đó sàng sảy, rang lúa cho giòn rồi giã thành cốm. Tại khu vực nhà rông, đàn ông dựng cây nêu, chuẩn bị các lễ vật cúng tươm tất.
Đến ngày diễn ra lễ hội, thầy cúng sẽ thực hiện nghi thức cúng với các lễ vật, như: Mâm cốm mới, rượu cần, gà, ngọn đèn sáp ong… Khi cúng xong, hạt cốm đầu tiên được đặt trên đầu của già làng với ý nghĩa tôn kính thần lúa đã cho con người có cái ăn, cái mặc. Sau đó, cốm được chia cho người dân trong làng cùng thưởng thức và nghi thức cuối cùng là người làng cùng nhau tung cốm cầu mong mọi người, mọi nhà được ấm no, hạnh phúc.
Sau phần lễ là phần hội trình diễn cồng chiêng, múa xoang, người dân trong làng cùng nhau ca hát chung vui.
Lễ hội ăn cốm lúa mới của đồng bào Bana K’riêm ở huyện Vĩnh Thạnh giờ được tổ chức theo quy mô cả làng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nghệ nhân nhân dân Đinh Chương, ở làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: “Trước đây, lễ hội ăn cốm lúa mới diễn ra tại nhà rông cộng đồng và nhiều gia đình với thời gian kéo dài; nay đời sống văn minh hơn, bà con chọn chung một ngày để cả làng cùng tổ chức. Đây là dịp để bà con tạ ơn thần lúa (YangXri), ông bà tổ tiên đã cho vụ mùa bội thu, cầu xin các vị thần tiếp tục giúp đỡ cho bà con được mạnh khỏe, bình yên, mùa màng tốt tươi. Bà con trong làng gặp gỡ, chia vui mừng thành quả lao động, cùng hướng đến một năm làm ăn sung túc hơn”.
2. Vào thời điểm tháng 11 - 12 dương lịch hằng năm, đồng bào H’re huyện An Lão làm Lễ cúng mở kho lúa để xin thần kho, thần lúa giúp gia đình có cuộc sống no đủ, không phải thiếu đói. Lễ cúng mở kho lúa được thực hiện tại kho lúa và tại gia đình chủ nhà.
Già làng Đinh Văn Hải, ở thôn 6, xã An Trung (huyện An Lão), chia sẻ: “Lễ cúng mở kho lúa của đồng bào H’re là phong tục đẹp mang tính nhân văn, giáo dục con người biết quý trọng thành quả lao động của mình, con cháu biết tôn trọng ông bà, tổ tiên. Dịp này, chủ nhà sẽ mời họ hàng, bà con trong làng sum họp, liên hoan chung vui, gắn kết thêm tình cảm với nhau. Hiện nay, bà con H’re vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, nhưng có chút đổi thay cho phù hợp đời sống văn minh, điển hình như sẽ không uống rượu nhiều như ngày trước”.
Lễ cúng mở kho thóc của đồng bào H’re ở huyện An Lão giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Cũng như khá nhiều lễ cúng khác của đồng bào H’re, lễ vật cúng thường giản dị, dễ gặp trong sinh hoạt thường ngày, không quá cầu kỳ, thường gồm: 1 con gà trống, 2 cái sạp (p’roang) được đan bằng cây đót trên phủ lá cà te, 1 ché rượu cần nhỏ, 1 cặp pa nấy, 1 cái ka đáp, 2 thẻ cây loang krooc, 1 cây sáp ong, 1 miếng gu, trầu cau, gạo, 1 chai rượu nhỏ, 3 cái ly.
Thường vào buổi sáng sớm, gia đình tụ họp đông đủ tại kho lúa bày biện lễ vật, thầy cúng sẽ tiến hành các nghi lễ cúng. Thời khắc thiêng nhất trong lễ cúng là lúc thầy cúng dùng 2 cây loang krooc xin quẻ. Theo niềm tin của người H’re, nếu quẻ được thần ứng thì 2 thẻ cây loang krooc sẽ có một miếng úp, một miếng ngửa; nếu 2 miếng cùng úp hoặc cùng ngửa là thần chưa chứng lễ; gia chủ sẽ phải thành tâm hơn, thầy cúng tiếp tục làm phép cầu xin đến khi nào được thì thôi. Sau khi cúng và xin được quẻ, vợ của chủ nhà sẽ dùng ka đáp xúc lúa đem về nhà giã cốm, qua ngày hôm sau mới có thể xuất lúa khỏi kho.
Sau khi cúng tại kho lúa, thầy cúng sẽ về cúng rượu, gà, cốm tại nhà chủ nhà, với ý nghĩa mời thần lúa, thầm sấm, thần nước, thần cửa, thần bếp, ông bà tổ tiên về ăn gà, uống ché rượu, ăm cốm mới giã của gia đình, cầu mong các vị thần và tổ tiên phù hộ gia đình, buôn làng làm ăn thuận lợi, mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no.
3.Cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào Chăm H’roi huyện Vân Canh xem lễ mừng nhà mới là một trong những nghi lễ quan trọng. Sau khi định ngày lành tháng tốt để cử hành lễ cúng về nhà mới, gia chủ sẽ thông báo với làng, mời già làng, thầy cúng (Oi quai) đến cúng. Lễ vật cúng tùy theo điều kiện gia chủ chuẩn bị sao cho tươm tất, gồm có bò, dê hoặc heo, gà…
Để chuẩn bị cho buổi lễ mừng nhà mới, gia chủ sẽ dựng cây nêu từ 4 gốc cây gạo (Pay Ch’panh) với phần trên là án, phần dưới là đài, trang trí những tua rua gọi là Pơrưng; cây nêu vươn cao tạo thành đôi cánh chim K’tang (loài chim biểu hiện cho sự bình yên theo quan niệm của người Chăm H’roi) thể hiện thông điệp cầu trời cho gia đình bình an.
Lễ cúng mừng nhà mới của đồng bào Chăm H’roi ở huyện Vân Canh quan trọng nhất là việc tổ chức ấm cúng, vui vẻ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Lễ cúng mừng nhà mới được diễn ra phía dưới đài và án, có thêm phần gieo quẻ âm dương bằng hai đồng xu, nhằm tạ ơn Yang cho mưa thuận gió hòa, cây lúa tốt tươi, công việc làm ăn suôn sẻ, mọi người đều khỏe mạnh. Số người làm lễ cúng phải là số lẻ, do làng chọn, từ 3 - 5 người, hoặc 7 - 9 người, kể cả lễ vật cũng chuẩn bị là số lẻ để khi cúng cầu Yang cho thêm chẵn là đủ. Sau khi cúng xong, mọi người cùng liên hoan chung vui, chúc mừng gia chủ.
Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Ru, ở khu phố Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), cho biết: “Với người Chăm H’roi, lễ vật cúng mừng nhà mới dù là bò, dê, heo, gà cũng không quan trọng mà cái chính ở đây là tổ chức sao cho ấm cúng, vui vẻ hơn. Theo định hướng của Đảng, Nhà nước mà chúng tôi thống nhất ủng hộ là mọi lễ hội đều hướng tới mục đích góp phần thắt chặt tình đoàn kết làng xã, các dân tộc trong huyện trong tỉnh và rộng ra là trên toàn quốc vì nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN