Khẳng định bản thân, tạo giá trị cho cộng đồng
Nỗ lực vươn lên để khẳng định bản thân, tự chủ về kinh tế, nhiều phụ nữ đã khởi nghiệp thành công, góp phần giải quyết việc làm cho các chị em tại địa phương. Sau đây là 2 trong số nhiều gương mặt như thế.
Mạnh dạn thử sức
Là con nhà nông, chị Nguyễn Thị Mỹ Hiếu (SN 1985, ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) luôn trăn trở về loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, cho thu nhập cao. Năm 2023, chị Hiếu mạnh dạn trồng thí điểm cây sâm bố chính. Đầu tháng 10.2023, chị xuống giống gần 170 nghìn cây trên diện tích hơn 1,2 ha tại thôn Nam Giang, xã Tây Giang. Sau khi xuống giống, từ tháng thứ 3 trở đi chị đã bắt đầu thu hoạch lá và hạt. Hiện nay, vườn sâm bố chính của chị đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hiếu (bìa phải) tại vườn sâm đang phát triển, sinh trưởng tốt của mình. Ảnh: T.K
“Tôi liên hệ Công ty TNHH Sâm bố chính Tâm Linh tại TX An Nhơn để hợp tác. Ngoài hỗ trợ giống và một phần các chi phí, Công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên tôi cũng yên tâm hơn. Tôi còn vay 50 triệu đồng vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH qua Hội LHPN huyện để đầu tư bước đầu. Đến nay, cây phát triển tốt, cho thu nhập khá, tôi rất mừng. Sau đợt này, tôi sẽ mở rộng trồng thêm 2 ha nữa”, chị Hiếu chia sẻ.
Bà Đinh Thị Lệ Huyền đóng gói sản phẩm của HTX Dịch vụ sản xuất rau an toàn Lá Lành Nhơn Hưng. Ảnh: T.K
Tương tự chị Hiếu, bà Đinh Thị Lệ Huyền (SN 1968, ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) tiếp nối truyền thống trồng rau của gia đình, tham gia Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Lá Lành An Nhơn, thuộc dự án do New Zeland tài trợ. Tháng 12.2022, HTX Dịch vụ sản xuất rau an toàn Lá Lành Nhơn Hưng được thành lập, bà Huyền giữ vai trò Giám đốc. Bà Huyền chia sẻ: “Tôi biết thứ mình có là kinh nghiệm trồng trọt, sản xuất, còn quản lý điều hành cũng như tiếp cận kỹ thuật công nghệ thì rất hạn chế. Dù vậy, tôi luôn cố gắng hết sức để phát huy điểm mạnh, học tập, khắc phục hạn chế để đưa HTX phát triển. Hiện tại, HTX của chúng tôi được nhiều đơn vị hợp tác tin tưởng, đời sống của các thành viên ngày càng tốt hơn”.
Giúp nhau cải thiện đời sống
Ngoài khẳng định bản thân, việc nhiều phụ nữ triển khai các mô hình phát triển kinh tế còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Hiếu, vườn sâm bố chính của chị hiện có khoảng 20 lao động, trong đó có nhiều phụ nữ.
Gắn bó với vườn sâm của chị Hiếu từ những ngày đầu, bà Trương Thị Mai (60 tuổi, ở thôn Nam Giang, xã Tây Giang) cho biết: “Gia đình tôi chủ yếu làm nông, thu nhập thấp nên cuộc sống rất khó khăn. Tôi đã lớn tuổi, thời gian nhàn rỗi nhiều, từ ngày có vườn sâm, tôi có việc làm đều đặn, mỗi ngày được trả công 180 nghìn đồng. Ở tuổi này, tôi vẫn kiếm được thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày với công việc nhẹ nhàng, tôi và các chị em ở đây rất mừng”.
Tại HTX Dịch vụ sản xuất rau an toàn Lá Lành Nhơn Hưng, để 9 hộ tham gia có cơ hội phát triển như nhau, bà Huyền phân chia mỗi hộ trồng một số loại rau khác nhau, tránh sản xuất đồng loạt dẫn đến cung vượt cầu. Cùng với đó, vì thời vụ khác nhau nên các hộ có thể giúp đỡ nhau trong việc thu hoạch hoặc xuống giống.
“Tuy canh tác riêng nhưng chúng tôi vẫn quan tâm đến cuộc sống của nhau. Mọi người giúp đỡ nhau ngày công, vốn để phát triển sản xuất. Thời gian đến, tôi dự tính sẽ mở rộng mô hình hoạt động của HTX. Không chỉ trồng và cung cấp các loại rau như hiện nay, chúng tôi sẽ sản xuất trà bí đao, trà khổ qua, tinh dầu sả, trồng sen, trồng sâm bố chính... Hy vọng việc này không chỉ giúp các thành viên của HTX có thêm thu nhập mà nhiều hộ dân khác, đặc biệt là phụ nữ ở các vùng lân cận cũng có thể tham gia, cùng giúp nhau cải thiện đời sống”, bà Huyền chia sẻ thêm.
THẢO KHUY