Sau lũy tre chắn lũ
• Truyện ngắn của HOÀNG THỊ HIỀN
Nhà mình mất ruộng rồi! - Ngồi phệt xuống bên hiên, tháo cái nón mê khỏi đầu, giật cái khăn trên trán lau mồ hôi, lau khóe mắt, mẹ tôi nói gần như khóc. Bao nhiêu công sức san thùng lấp vũng, bao nhiều tiền của dành dụm thuê xe chở đất về, mới làm được có dăm vụ lúa thế mà giờ mất rồi. Xã chủ trương đấu thầu trồng tre chắn lũ, giữ đất; ai tham gia trồng và giữ tre thì được tiếp tục canh tác trên những thửa ruộng ngoài đê, cấy hái thu hoạch. Cũng đã phổ biến như thế lâu rồi cứ tưởng thì rồi cũng thôi, có ai ngờ xã quyết liệt đến vậy.
***
Làng tôi nằm ven sông, cánh đồng trong làng được con đê ôm trọn, che chắn đã nhiều đời. Nhưng phần đồng bãi ngoài đê thì người làng tự khai khẩn trồng lúa, làm rau vào mùa nước cạn chỉ chừng mươi năm. Mới đầu toen hoẻn vạt đất xâm xấp nước ven đê đủ thả vài bè cấy rau muống nuôi heo, sau người ta san lấp và sông đắp bồi mãi mà thành bãi thành bờ. Mảnh be bé thôi mỗi năm kheo khéo làm cũng thu được gần trăm thúng thóc. Sau mỗi mùa lụt mặt ruộng lại được bồi thêm một lớp phù sa mịn như nhung, ruộng ấy chỉ đặt lúa xuống là lúa vươn lên xanh tốt, chim sâu vít tổ đầu bông.
Mẹ tôi thở dài: Chỉ tại lão Bính, người đâu mà tham. Cả làng đứng ngoài, chỉ mỗi mình lão nhảy vào nhận trồng tre, thế là lão được làm cả.
Cứ nghĩ từ nay ruộng nhà mình thành ruộng của người ta, ai cũng đứt từng khúc ruột. Khắp làng, ngồi đâu cũng nghe chuyện người ta xì xào, xỉa xói chuyện lão Bính nhận thầu trồng tre giữ ruộng. Thuê người làng không ai chịu làm, tưởng bó tay ai dè lão dẫn ở đâu về một nhóm trạc tuổi lão. Những mái đầu đã bạc ít nhiều, họ nấu cơm mang theo từ sáng sớm, tối muộn mới về tắm gội ì đùng, nói cười lao xao ở sân sau nhà lão Bính.
Tranh của họa sĩ VŨ DUY VĨNH
Thật ra chuyện trồng tre xã nói đã lâu nhưng không ai muốn làm. Mỗi nhà có tý đất, gọi là làm thêm cho vui. Mùa lụt nước mênh mông, nước rút mới làm. Trồng tre thì còn mấy tý. Vả chăng tre trồng xuống công của mình, giống của mình nhưng thành cả lũy tre lại là của làng, của xã. Cấy trồng được mấy tý chả bõ công trồng rồi giữ tre. Ai cũng nghĩ sẽ như mọi lần, không ai nhận thầu, rồi đâu lại vào đấy. Thế quái nào mà năm nay lão Bính lại giở quẻ giơ tay nhận trồng, nhận giữ. Xã chốt việc xong, người làng mới ngã ngửa ra. Ai cũng bực bội, xỉa xói nhưng rồi ai cũng ngấm ngầm lờ mờ tiếc. Tiếc nhưng vẫn trông ngóng lão Bính thất bại, để mọi việc lại như cũ.
Chỉ mấy tháng trước thôi lão ấy vẫn được người làng quý mến, nhà ai có công to việc lớn cũng nhờ lão phát biểu đôi câu làm đẹp lòng hai họ. Những người hục hặc từ mặt nhau vì đủ thứ chuyện, lão cũng đứng ra phân giải giảng hòa, tình lý thẳng ngay, láng giềng lại êm đẹp. Lão Bính là cựu chiến binh, sương gió dãi dầu hun lên mình lão từng búi cơ chắc dẻo, làn da nâu bánh mật. Nhưng đôi mắt lão thì thường xuyên sâu thăm thẳm nỗi buồn. Một thân một mình thì khó vui nhưng lão Bính lại khác một tẹo.
Sân nhà lão Bính rộng kê bộ chõng tre, người lớn đến nhà uống trà hay trẻ con đến nghe chuyện vãn có đứa lăn ra chõng tre ngủ khi nào không biết, lão phải cõng về trả cho cha mẹ chúng. Phía sau lão còn dụng công làm thêm cái sân bóng chuyền đủ để đám thanh niên cứ tầm chiều tụ tập, làm vài séc cho giãn gân giãn cốt. Cũng chả ai thử hỏi cột ở đâu ra, lưới ở đâu ra… Người biết chuyện bảo lão Bính thổi tù và hàng tổng, lão chỉ cười cười: Chúng nó đến chơi thế là vui. Mai sau tôi trăm tuổi chính những bọn ấy khiêng tôi ra đồng. Coi như thế là lãi. Lúc đám lớn í ới chơi bóng thì lão đẩy cây chuối ra mé đầm dạy lũ trẻ trong xóm tập bơi. Được một cựu sĩ quan đặc công nước đích thân dạy bơi thì đứa nào không ham. Không ai để ý rằng lũ trẻ trong làng lần lượt đều dạn nước, biết bơi là nhờ vào lão Bính.
Thế mà từ dạo lão nhận thầu trồng tre, gần như cả làng cạch mặt lão. Lão Bính cứ mặc kệ, lẳng lặng ngày ngày đều đặn vác mai vác xẻng ra đồng, hì hục xắn đất, đắp bờ trồng tre, giữ tre.
Chỉ sau gần một năm rặng tre đã thành hình hài, bao lấy con đê chạy dài tít tắp sang tận làng bên. Rồi làng ấy người ta cũng trồng nối vào, đất xắn lên nâu óng, chắc nịch, tre là giống kiên cường, cứ cắm xuống là bén rễ, vươn cao, tre già măng mọc, cứ thế ken dày. Ở lũy tre ấy mùa hè cua cáy thi nhau đào hang. Tháng sáu nắng như thiêu cua lên đầy đồng, người ta xách giỏ xách xô ra đồng một buổi trưa là đầy xô đầy giỏ, tháng bảy, tháng chín là mùa đào cáy. Giống cáy tinh khôn lại nhanh, thấy người là rúc ngay vào hang. Người đi bắt cáy bao giờ cũng mang theo chiếc thuổng dài. Thế là người người rồng rắn đến rặng tre chắn lũ mà đào cáy, nhiều chỗ đất bị hổng thành lỗ sâu hoắm, vài lần đã có trẻ con ham chơi ngã xuống chới với ngụp đầu. Những lúc ấy bọn trộng trộng vừa mới hô hoán, không biết từ đâu lão Bính xuất hiện rất nhanh, tóm chặt ngay đứa bé mà nhấc lên, có đứa lão phải vác lên vai chạy vài vòng lên đê dốc nước khỏi bụng.
Bấy lâu người ta cứ nghĩ đi đào cáy ban trưa, xắn vào cả rễ tre là qua mặt được lão. Thì là nghĩ vờ nghĩ vịt thế thôi, để tự trấn an mình chứ lão Bính biết cả. Biết nhưng làm lơ cho người làng kiếm kế sinh nhai.
Cáy ấy đem về nhà, rửa thật sạch bùn đất, nấu một nồi nước sôi thật lớn để nguội, bày cáy ra sân, tách vỏ, giã nhuyễn với muối hột, pha thêm nước sôi để nguội, bỏ thêm thính gạo rồi trút vào chum sành. Chum cáy được bịt kín miệng phơi nắng độ nửa tháng hơn là mắm cáy chín, đỏ rọi, thơm nức cả sân. Phần thì để nhà ăn, phần thì đem bán trên thành phố, mắm cáy làng tôi nổi tiếng khắp nơi. Không làm ruộng trồng rau thì nguồn thu cua cáy bù vào, ai cũng ngầm vui và nhủ lòng lão Bính dại hết phần thiên hạ. Không ai nhớ đến chuyện lão Bính luôn xuất hiện đúng lúc bọn trẻ sơ sẩy. Lão ở miết ngoài lũy, có vậy mới kịp thời cứu bọn trẻ đấy chứ, người ta biết cả, kể cả những nhà có trẻ được lão cứu sống. Vậy mà đôi người còn xéo xắt cho rằng lão Bính đang cố xích lại người làng để họ quên đi cái điều tiếng tham lam, sống có một mình mà ôm làm gì lắm ruộng. Thói đời vốn bạc, một đôi người biết việc thì thào chép miệng. Trâu buộc ghét trâu ăn vốn sẵn thói đời, nay lại thêm thói bạc bẽo, cua cáy từ lũy tre tay lão trồng xuống, chăm giữ mà thành, không biết ơn thì chớ, lại còn hể hả cho mình khôn còn lão thì dại. Mà cũng lạ, lão Bính trồng tre thì đã có trồng rồi; tre cũng đã ken dày thành lũy rồi mà phần ruộng ngoài đê lão cũng có làm mấy đâu.
Ừ lại cứ phải nói đến chuyện ruộng. Mùa gặt, vẫn đội đàn ông trồng tre kia năm bảy người, vẫn những mái tóc đã lốm đốm bạc, những tấm áo xanh sờn cũ. Họ gặt hái thạo lắm, từng bó lúa lớn được vác lên đê rồi chất lên xe bò, việc đâu vào đấy cứ nhoay nhoáy, lớp lang bài bản lắm. Thóc được tuốt, phơi khô khén, rê sạch trấu bụi thì cũng những con người ấy xe lớn xe bé chở đi.
Rồi người ta cũng quen, quen thì cũng dễ quên và thôi bàn tán, rặng tre năm nào còn thấp lè tè mà nay đã vút cao chót vót. Cái giống tre lão Bính trồng cũng lạ, chúng lớn như thổi mà rất lắm măng, giống ấy măng lại ngọt, không phải như giống tre lâu nay quen thấy. Người làng thỉnh thoảng vẫn ra bẻ về dùng. Một đôi lần bất ngờ chộ phải lão, sững như trời trồng ngượng nghịu, bao măng còn trên vai mà. Nhưng lão Bính đến tài, cứ bình thản như không, lại còn bảo, đây là giống tre Nhật, phải hơi cứng cứng măng mới ngon. Rồi thủng thẳng bỏ đi.
Rất lâu rồi làng không có lũ. Lũ chỉ còn trong trí nhớ của người lơn lớn tuổi. Người ta vẫn nghe ra rả chuyện biến đổi khí hậu, núi rừng bị khai thác quá sức, hệ sinh thái biến dạng, chuyện sông ngòi đổi dòng… Nhưng ai cũng nghe đó, để đó, làm gì đến phiên nhà mình, làng mình… là chuyện ở đâu đâu đó thôi. Thế mà lũ về. Bất ngờ và dữ dằn!
Lũ về xồng xộc, mới thoáng đó đã thốc vào lũy tre. Kẻng hộ đê inh ỏi ở gốc đa đầu xóm. Tổ dân quân tự vệ lao lên đê, nước ngoài sông dâng lên, rặng tre là nơi nước xô đến đầu tiên. Nước lồng lên, ụp xuống dữ dội, tre oằn mình chịu trận, nước tràn qua được rặng tre xô vào chân đê thì đã yếu đi nhiều. Khi ấy nước ngoan ngoãn nằm vòng quanh chân đê dâng cao dần lên. Mấy ngày sau bắt đầu rút chậm. Ruộng đồng, làng xóm bình yên!
Khi nước rút đi, người làng mới nhận ra bên kia rặng tre là bao nhiêu rác rến, cây gỗ ở đâu trôi đến vướng lại chất cao lớp lớp; phù sa theo nước lũ bồi thêm thành vỉa màu mỡ ven đê. Nước vừa cạn người ta đã thấy lão Bính đem xẻng đem mai đi xắn đất, bồi đắp, nâng lên những thân tre bị nước đè rạp xuống, dặm lại những chỗ tre bị nước lũ nhổ bung. Những cây tre già bị trốc gốc, lão đem về nhà, ngâm xuống ao, chòm xóm ai cần cứ đến mà lấy về, gặp thì xin không gặp cũng chả làm sao.
Sau trận lũ dữ người làng bắt đầu dè dặt, ngượng nghịu nói chuyện trở lại với lão Bính.
Ngày hội đại đoàn kết năm ấy làng tôi được xã chọn tổ chức làm mẫu, trưởng thôn trịnh trọng tuyên bố, ruộng ngoài đê trước kia của nhà nào thì nay hộ ấy lại được nhận về cấy hái như trước, làng ta đã có lũy tre chắn lũ đủ vững chãi. Trả hết lại ruộng đã trúng thầu cho bà con nhưng lão Bính vẫn nhận trách nhiệm trông coi lũy tre của làng.
Nghe công bố ai cũng ngơ ngác, còn ông trưởng thôn tươi cười mà mắt đỏ hoe:
- Mấy năm nay nghe dằn xóc, xỉa xói ông Bính, lãnh đạo thôn, xã rất buồn nhưng ông Bính bảo cứ mặc ông ấy, phải giữ bí mật đến phút chót, khi nào tre thành lũy nói cũng chưa muộn…
… Thì ra là thế này! Chuyện trồng tre nói mãi mà bà con không ai thuận, không thể vì thế mà buông, phải có người làm và ông Bính chấp nhận đứng vào thế khó. Nói ra cho rõ thì nát việc nên xã chọn phương án đấu thầu, làng tôi có cái dở là không ai chịu ghé vai vào san sớt với ông Bính, may còn có đồng đội của ông. Thóc thu được từ ruộng ngoài đê mấy năm nay họ đều đem tặng những cựu binh khó khăn, đồng bào nghèo trong huyện cả, ông Bính chỉ giữ một ít vừa đủ ăn. Thế mà suốt mấy năm trời ông Bính lặng lẽ, không nói nửa lời thanh minh chỉ trầm ngâm báo cáo Đảng ủy, xin cho tôi xem đây là một việc thiết thực học theo gương Bác, việc gì có lợi cho dân dẫu nhỏ đến mấy cũng nên gắng làm.
“Tới đây xã sẽ mượn người về dạy cho bà con nghề đan tre, làm đồ thủ công mỹ nghệ, lại còn hướng dẫn cách sản xuất bền vững theo hướng hữu cơ thân thiện với môi trường, vùng ven đê phía giáp làng ta có thể phát triển thành vườn cây ăn trái… Mong bà con lần này hăng hái ủng hộ chúng tôi hơn!”, giọng ông trưởng thôn bùi ngùi.
Gió lùa lũy tre xào xạc, tre kiên cường trưởng thành nên lũy, cội rễ chăm chỉ bám sâu vào đất trả ơn công chăm trồng. Người làng lặng đi, có cả những giọt nước mắt lăn ra từ những người từng cay nghiệt ông Bính nhất.