Ða số người hút thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 15 - 24
Thuốc lá điện tử phổ biến trong 10 năm trở lại đây và rất đa dạng về kích thước, hình dạng, màu sắc. Ðây là loại thuốc lá có chứa nhiều chất độc gây hại cho cơ thể người sử dụng như hóa chất tạo mùi hương, kim loại và nicotine. Ðặc biệt, đối tượng sử dụng thuộc lá điện tử đa số ở nhóm tuổi 15 - 24.
Nguy hiểm không kém thuốc lá điếu thông thường
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá của tỉnh, người sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) đa phần lầm tưởng rằng “TLĐT ít độc hại hay không gây độc cho cơ thể người sử dụng và thậm chí còn giúp cai thuốc lá điếu thông thường, vì khi hút TLĐT không có lan tỏa ra khói hay không có mùi khó chịu như hút thuốc lá điếu thông thường khác”. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của TLĐT chẳng kém gì thuốc lá điếu thông thường.
Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc gây hại cho cơ thể người sử dụng như hóa chất tạo mùi hương, kim loại và nicotine. Ảnh minh họa
Hiện, việc sử dụng các sản phẩm TLĐT, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong đối tượng học sinh, thanh thiếu niên. Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng TLĐT trong học sinh độ tuổi 13 - 15 tại Việt Nam là 3,5%. Tỷ lệ người hút thuốc lá cao đã gây ra tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế.
Gần nhất, kết quả nghiên cứu của Trường ĐH Y tế Công cộng (TP Hà Nội) tại 11 tỉnh, thành phố trong học sinh từ lớp 6 - lớp 12 cho thấy tỷ lệ sử dụng TLĐT trong nhóm tuổi này tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; ở nhóm 13 - 15 tuổi tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023; đặc biệt ở nhóm nữ tuổi 11 - 18, tỷ lệ sử dụng TLĐT là 4,3%.
Còn tại Bình Định, đến nay chưa có báo cáo nào về trường hợp ngộ độc TLĐT. Tuy nhiên, điều tra do ngành y tế tiến hành cho thấy có 24,2% đối tượng nghiên cứu từng nghe về TLĐT; 1,7% người đang hút TLĐT, đa số ở nhóm tuổi từ 15 - 24. “Ngoài tác hại về sức khỏe giống như thuốc lá truyền thống, TLĐT còn nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và lối sống của thanh thiếu niên”, bác sĩ Trung nói.
Khá dè dặt khi trò chuyện với chúng tôi, một học sinh tên Đ.T.Đ (TP Quy Nhơn) cho biết TLĐT chắc không ảnh hưởng nhiều như thuốc lá truyền thống, vì nó phả ra hơi chứ không phải ra khói, mùi vị lại rất dễ chịu. Thực tế cho thấy, học sinh khối THCS và THPT là nhóm tuổi dễ bị sa ngã vào sử dụng thuốc lá, do các em chưa nhận thức đầy đủ về tác hại, đặc biệt là tác hại của TLĐT.
Ông Đỗ Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (TP Quy Nhơn) cho hay, trường học có số học sinh khá đông, vì vậy, việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại trường đã lồng ghép linh hoạt các hình thức tuyên truyền để giúp các em nắm bắt, nói không với thuốc lá cũng như TLĐT.
Cấm là cần thiết
Theo bác sĩ Trung, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lào đang được quản lý, không quy định cụ thể về các sản phẩm TLĐT, thuốc lá nung nóng. Vì vậy, các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế thị trường có nhiều loại TLĐT, nhất là được quảng cáo rộng rãi trên không gian mạng.
Do đó, cần quản lý chặt chẽ và ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm TLĐT, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng. Đây cũng là vấn đề được tỉnh Bình Định rất quan tâm trong kế hoạch thực hiện chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, ban hành ngày 25.4.2024. Trong đó, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên duy trì hoặc giảm dưới 0,2%; tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm TLĐT, thuốc lá nung nóng, shisha và sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
Bác sĩ Trung nhấn mạnh, với những tác hại của TLĐT, thuốc lá mới đã được khoa học chứng minh tác hại không khác gì thuốc lá truyền thống, ngành y tế rất mong muốn nhà nước có các chính sách nhằm ngăn chặn thuốc lá thế hệ mới. Việc cấm TLĐT là cần thiết, nhà nước cần sớm có chính sách cụ thể để thực hiện.
Con đường dẫn đến sử dụng các chất gây nghiện khác
Bác sĩ Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh TLĐT có chứa các thành phần hóa chất rất độc hại cho sức khỏe. Chất nicotine là chất gây nghiện mạnh làm cho người sử dụng bị phụ thuộc vào thuốc lá; có thể ảnh hưởng đến phát triển não bộ ở thanh thiếu niên, thậm chí gây tổn thương bào thai.
Khói thuốc có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày… ở người sử dụng. Nhiều loại TLĐT sử dụng hương liệu tạo mùi thơm hấp dẫn (bạc hà, cam, dâu tây, sô cô la, caramen…) có thể dẫn đến ngộ độc ở trẻ nhỏ do uống nhầm hoặc kích thích trẻ, thanh thiếu niên sử dụng TLĐT.
MAI HOÀNG