Phát huy vai trò của Mặt trận trong giám sát thực hiện cải cách hành chính
Góp sức cho công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức, phối hợp thực hiện các hoạt động giám sát liên quan lĩnh vực này.
Theo bà Hồ Thị Kim Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thông qua các hoạt động giám sát (chủ trì thành lập đoàn giám sát, phối hợp với các ban, ngành thực hiện giám sát và giám sát thông qua ban thanh tra nhân dân cấp xã), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và cấp huyện đã triển khai nhiều nội dung liên quan đến công tác cải cách hành chính.
Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Thị Kim Thu làm trưởng đoàn, giám sát việc thực hiện dân chủ tại phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn. Ảnh: N.M
Hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều chủ trì tổ chức giám sát hoặc tham gia cùng với các ban, ngành giám sát việc thực hiện dân chủ tại cơ sở. Trong đó, tập trung giám sát tình hình thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, nhất là với những nội dung được quy định công khai trước nhân dân; công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc tổ chức đối thoại với nhân dân… Đây là những nội dung quan trọng góp phần nâng cao điểm số của địa phương trong các chỉ số thành phần (gồm chỉ số về sự tham gia của người dân cấp cơ sở, chỉ số công khai minh bạch, chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân) của Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI).
Bên cạnh đó, theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện kết nối, cung cấp số liệu, danh sách cho đoàn khảo sát Chỉ số PAPI, đồng hành cùng đoàn trong quá trình khảo sát tại địa phương. “Từ hoạt động này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và cấp cơ sở có điều kiện nắm bắt việc thực hiện hành chính công của các địa phương, ngành liên quan đang ở mức độ nào, được nhân dân đánh giá như thế nào để có những kiến nghị, đề xuất sát với thực tế cho Ban chỉ đạo thực hiện Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh”, bà Thu nói thêm.
Trong quá trình thực hiện vai trò chủ trì của tổ chức mình trong các cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại giữa nhân dân với lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ cũng ghi nhận, nắm bắt mức độ công khai thông tin đến người dân của chính quyền địa phương, tham gia tuyên truyền để người dân hiểu, thực hiện quyền “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Mặt khác, với hoạt động phản biện xã hội, góp ý xây dựng văn bản chính sách, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cũng ghi nhận công tác xây dựng chính sách tại địa bàn đã phù hợp với thực tiễn chưa, chính sách mới đã đảm bảo về mặt cải cách thủ tục hành chính chưa.
Năm 2024, bên cạnh việc giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo như hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổ chức giám sát người đứng đầu chính quyền - chủ tịch UBND các cấp.
Cụ thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ giám sát người đứng đầu chính quyền cấp huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện sẽ giám sát người đứng đầu chính quyền cấp xã. Trong nhiều nội dung giám sát, sẽ có nội dung thực hiện dân chủ với cải cách hành chính, đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ theo phương châm “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”, trong đó lấy người dân và DN là trung tâm phục vụ…
MTTQ các cấp kỳ vọng thông qua các hoạt động này sẽ có những đề xuất, kiến nghị phù hợp để góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
NGUYỄN MUỘI