Tổ chức tập huấn điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 dân tộc thiểu số
(BĐ) - Ngày 13.5, tại TP Quy Nhơn, Tổng cục Thống kê tổ chức hội nghị tập huấn điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2024 trên phạm vi cả nước. Dự hội nghị các có đồng chí: Nông Thị Hà - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê; Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam và 325 đại biểu của ngành Thống kê, CA, Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc đến từ 54 tỉnh, thành trong nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) dự hội nghị.
Tại Hội nghị này, Tổng cục Thống kê sẽ phổ biến, hướng dẫn phương án điều tra thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS năm 2024; kỹ năng điều tra, kiểm tra, giám sát; hướng dẫn cách hỏi, sử dụng phiếu điện tử trong thu thập thông tin và thực hành phỏng vấn trực tiếp…
Theo Tổng Cục Thống kê, đối tượng điều tra, thu thập thông tin đợt này là hộ dân cư người DTTS và UBND các xã. Yêu cầu đối với hộ cần đảm bảo được các thông tin về tên, tuổi, giới tính, hôn nhân, giáo dục, di cư, BHYT, việc làm, nhà ở, đất sản xuất... Đối với xã cần có được thông tin về đặc điểm của xã, hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trình độ giáo viên, y tế, vệ sinh môi trường, chợ… Trong tháng 6.2024, Cục Thống kê các tỉnh, thành tiến hành lập bảng kê, chọn hộ điều tra; tháng 7 và tháng 8 tiến hành điều tra, thu thập thông tin; tháng 10 kiểm tra, ghi mã, nghiệm thu dữ liệu; tháng 12 xử lý tổng hợp kết quả điều tra; từ tháng 1-3.2025 biên soạn báo cáo kết quả chủ yếu của cuộc điều tra; tháng 4.2025 bàn giao kết quả điều tra cho Ủy ban Dân tộc.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: T.SỸ
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh: Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS là cuộc điều tra mẫu quy mô lớn, phạm vi rộng (14.928 địa bàn) nhằm thu thập thông tin phục vụ đánh giá tình hình và xây dựng, hoạch định chính sách liên quan đến công tác dân tộc, phát triển KT-XH cho các vùng DTTS giai đoạn 2026-2030; đồng thời làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về DTTS tại Việt Nam. Vì thế, các giảng viên phải trình bày đầy đủ các nội dung cần thu thập từ cuộc điều tra này; cách thức và kỹ năng phỏng vấn, khai thác thông tin, ghi chép thông tin vào phiếu điều tra. Trong quá trình tập huấn, chú ý nhấn mạnh những điểm mới, những nội dung cần chú trọng trong phương án điều tra và phiếu điều tra. Đặc biệt cần lưu ý những sai sót mà các điều tra viên thường mắc phải để đảm bảo thông tin thu được có chất lượng tốt nhất. Cùng với đó, hướng dẫn các đại biểu tham dự lớp tập huấn sử dụng các phần mềm điều tra (capi, webform) kết hợp thực hành nhằm nâng cao kỹ năng và cách thức thao tác, sử dụng các phần mềm phục vụ điều tra đạt hiệu quả nhất.
Nguồn: BTV
Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh vai trò quan trọng của cuộc điều tra này đối với việc hoạch định chính sách liên quan đến công tác dân tộc, phát triển KT-XH cho các vùng DTTS giai đoạn 2026-2030 của cả nước nói chung, Bình Định nói riêng. Đồng chí cho biết, tại Bình Định cuộc điều tra sẽ được thực hiện tại 93 địa bàn thuộc 6 huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát. Hiện ngành Thống kê tỉnh đã hoàn tất công tác chuẩn bị, UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Cục Thống kê tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt cuộc điều tra này.
T.SỸ