WHO lựa chọn Việt Nam để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA
Là 1 trong 15 nước được WHO lựa chọn để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA, Việt Nam mong muốn nhận sự trợ giúp thiết thực để nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin, không chỉ phòng, chống dịch bệnh mới nổi mà cả một số loại bệnh truyền nhiễm đang có nguy cơ gia tăng trở lại.
Sáng 13.5, tiếp Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương - TS Saia Ma’u Piukala, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đánh giá cao vai trò của WHO trong các hoạt động điều phối, kết nối toàn cầu về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe người dân.
Trong mọi lĩnh vực, chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đều có sự đồng hành, tham gia, tư vấn, hỗ trợ của cán bộ, chuyên gia WHO. Đặc biệt, trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả từ WHO để vượt qua và chiến thắng đại dịch.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp TS Saia Ma’u Piukala, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương
Là 1 trong 15 nước được WHO lựa chọn để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA, Việt Nam mong muốn nhận sự trợ giúp thiết thực để nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin, không chỉ phòng, chống dịch bệnh mới nổi mà cả một số loại bệnh truyền nhiễm đang có nguy cơ gia tăng trở lại như sởi, lao…; đồng thời phát triển những loại sản phẩm khác phục vụ nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh của người dân.
Nhấn mạnh việc Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề sản xuất, mua sắm, phân phối thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế… để đáp ứng nhu cầu của người dân, Phó Thủ tướng đề nghị WHO cử cán bộ, chuyên gia hỗ trợ Việt Nam tiếp tục cải cách, hoàn thiện cơ chế, quy định, thủ tục về mua sắm, đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp, bảo đảm nguồn cung ứng dược phẩm đầy đủ, ổn định lâu dài.
Cám ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp đoàn, ông Saia Ma’u Piukala đã chia sẻ một số mục tiêu ưu tiên của WHO trong hỗ trợ, tăng cường năng lực của ngành y tế của Việt Nam nhằm nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với dịch bệnh trong tương lai, cải thiện môi trường và thúc đẩy lối sống lành mạnh, bảo đảm an ninh y tế, quản lý thuốc lá điện tử… Đồng tình với ý kiến của ông Saia Ma’u Piukala, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa. Việt Nam mong muốn WHO hỗ trợ tái cấu trúc và củng cố hệ thống này, xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ, nguồn lực, nhân lực triển khai.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, chất lượng môi trường sống gắn liền với sức khỏe và “an ninh sức khỏe” là vấn đề “an ninh phi truyền thống”. Do vậy, những chính sách y tế, bảo vệ sức khỏe cần gắn với vấn đề môi trường. Bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe.
Ghi nhận ý kiến của ông Saia Ma’u Piukala về thuốc lá điện tử, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Y tế thực hiện đánh giá tác động của thuốc lá điện tử với sức khỏe người dùng, nhất là thanh thiếu niên; đồng thời xem xét các hướng dẫn, khuyến nghị của WHO để có hành động, giải pháp quản lý phù hợp.
“mRNA” là viết tắt của cụm từ Messenger RNA, hay còn được gọi là RNA thông tin, đây là vật chất di truyền giúp cơ thể tạo ra protein.
Các nhà khoa học nhận thấy, việc đưa RNA thông tin vào sau đó cơ thể sẽ tự tổng hợp để tạo ra protein hay mảnh protein. Những phần được tạo ra này kích thích cơ thể tạo ra đáp ứng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Từ đó, các nhà khoa học đã ứng dụng trong việc sản xuất vắc xin.
Vắc xin được sản xuất theo công nghệ mRNA được sản xuất bằng cách bao bọc trong một lớp vỏ để dễ dàng đưa vào cơ thể và giữ chúng không bị phá vỡ.
Theo Lê Hoàng (VOV.VN)