Khá lên từ nuôi chim bồ câu Thái
Sau khi thử sức với nhiều mô hình nông nghiệp nhưng chưa đạt được hiện quả như mong muốn, qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Tình (thôn Định Tam, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh) nhận thấy bồ câu Thái dễ tiêu thụ, nhưng chưa được nhiều người tổ chức chăn nuôi theo quy mô lớn, anh Tình quyết định thử sức với mô hình nuôi chim bồ câu Thái sinh sản.
Anh Tình chia sẻ: Trang trại nuôi chim bồ câu, trước kia là trang trại nuôi heo thịt và heo sinh sản, do những năm gần đây giá heo hơi rớt mạnh, thua lỗ nhiều. Nhờ Hội Nông dân huyện cử tham gia tập huấn kỹ thuật, tìm hiểu qua các kênh thông tin đại chúng, thấy nuôi chim bồ câu tương đối đơn giản, hiệu quả kinh tế khá nên tôi mạnh dạn chuyển sang nuôi chim bồ câu Thái từ năm 2022. Giống chim này to khỏe, chất lượng cao.
Anh Nguyễn Văn Tình chăm sóc chim bồ câu. Ảnh: LÊ VĂN XINH
Để chuẩn bị cho việc khởi nghiệp nuôi chim bồ câu Thái, anh đến một tham quan mô hình nuôi chim bồ câu Thái tại TP Hồ Chí Minh. Được chủ trang trại hướng dẫn tư vấn cụ thể, anh đã mua 500 cặp chim bồ câu bố mẹ đem về nuôi, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi, nhất là khâu kỹ thuật, phòng chống bệnh. Hiện anh đang có khoảng 2.500 con chim các loại, trong đó có khoảng 700 chim bố mẹ.
Về đầu ra cho việc bán chim thương phẩm, anh Tình chia sẻ: Tôi tìm đến các chợ đầu mối, các chợ bán lẻ để tìm bạn hàng. Sau nhiều thời gian, hiện tôi đã có đầu ra ổn định để cung cấp cho một nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh. Cứ 3 ngày, gia đình tôi xuất bán một lứa khoảng 100 con; giá mỗi con chim ra ràng 75.000 đồng, cao hơn giá bán tại địa phương là 15.000 đồng/con. Trang trại hoạt động với số lượng xuất chuồng ổn định và tăng số lượng lên mỗi ngày. Trung bình mỗi tháng thu nhập 15 - 20 triệu đồng.
Về hướng phát triển, anh Tình cho hay: Tôi sẽ mở rộng thêm diện tích chăn nuôi, với số lượng 1.000 cặp chim bố mẹ, đồng thời vận động chia sẻ nhiều hộ cùng nhau nuôi, xây dựng thành chuỗi giá trị sản xuất, tạo đầu ra sản phẩm có giá trị cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn.
LÊ VĂN XINH