Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận:
Cần sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền
Sau 5 năm thực hiện đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận theo Kết luận số 62-KL/TW ngày 8.12.2009 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” (gọi tắt là Kết luận 62), hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Lấy cơ sở làm trọng tâm
Dễ nhận thấy nhất là các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận và các tổ chức thành viên đã có nhiều chuyển biến rõ nét, hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh địa phương và lợi ích thiết thực của nhân dân.
MTTQ các cấp đã xây dựng mô hình chỉ đạo điểm thực hiện Kết luận 62 với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên trong 3 năm qua, nhân dân đã tự nguyện đóng góp hàng ngàn ngày công, 75,5 tỉ đồng và hiến 61.714m2 đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. 5 năm qua, Quỹ Vì người nghèo các cấp vận động trên 61 tỉ đồng, cùng với nguồn ngân sách các cấp và các nguồn tài trợ khác hỗ trợ xây dựng mới 7.169 nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 222 nhà cho hộ nghèo. Trong 8 tháng đầu năm 2014, Quỹ Vì người nghèo tỉnh tiếp nhận trên 4,3 tỉ đồng; hỗ trợ xây dựng 162 nhà Đại đoàn kết với tổng giá trị trên 4,5 tỉ đồng.
Sau 5 năm thực hiện Kết luận 62, công tác Mặt trận đã giảm dần tính hình thức và tập trung hướng mạnh hoạt động về cơ sở. Hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đã có nhiều đổi mới, bắt nhịp được với cuộc sống của người dân. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được tổ chức với các hoạt động thiết thực: trao nhà Đại đoàn kết, tặng quà cho hộ nghèo, gia đình khó khăn, học sinh vượt khó... Bên cạnh đó, MTTQ các cấp cũng phối hợp tuyên truyền, vận động và tổ chức cho nhân dân tham gia góp ý kiến nhiều dự thảo luật có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, nhất là tham gia góp ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Nhưng, từ thực tế triển khai Kết luận 62 đã cho thấy, việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ hiện còn nhiều lúng túng.
Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của Kết luận số 62 nên chỉ dừng lại ở khâu ban hành văn bản chỉ đạo, chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo tổ chức thực hiện. Do vậy, việc triển khai thực hiện còn bất cập, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, chủ yếu chỉ triển khai tổ chức thực hiện trong hệ thống MTTQ dẫn đến kết quả đạt được chưa cao. Mặt khác, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội ở một số địa phương, cơ sở cũng chưa tích cực tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chưa có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, nên xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện còn lúng túng. Chính vì vậy mà MTTQ chưa thể hiện được đầy đủ vị trí, vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 62 được tổ chức mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã kiến nghị: Cấp ủy đảng các cấp tăng cường lãnh đạo việc quán triệt nội dung Kết luận 62 trong hệ thống chính trị, đưa nội dung đổi mới hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội vào chương trình công tác của cấp ủy đảng để kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội tổ chức thực hiện và tạo cơ chế thỏa đáng để MTTQ các cấp có điều kiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đặc biệt là quan tâm đến chế độ chính sách đối với cán bộ Mặt trận ở cơ sở và khu dân cư.
THU HÀ