Dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát diện rộng tại Bắc Kạn
Khoảng hơn 1 tháng qua, hàng chục xã, thị trấn tại Bắc Kạn đã tái bùng phát dịch tả lợn Châu Phi, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hiện ở Bản Lài, xã Chu Hương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn có 9 con lợn đều bị nhiễm bệnh. Ông Hiện cho biết, từ cuối tháng 4 đến nay, hàng chục hộ trong Bản Lài cũng rơi vào tình cảnh tương tự, có gia đình đàn lợn lên đến 40 con cũng xác định dương tính với tả lợn Châu Phi. Ước tính mỗi gia đình thiệt hại từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng.
“Nguyên nhân cũng không dám khẳng định 100%, nhưng có đến 70% khả năng là do một hộ tư thương trong thôn mua lợn ở khu vực khác về buôn bán, do gia đình ấy có lợn dịch đầu tiên, sau đó mới đến những hộ khác”, ông Nguyễn Văn Hiện chia sẻ.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, từ đầu năm đến nay, tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 116 thôn, bản của 39 xã thuộc 7/8 huyện, thành phố. Thống kê sơ bộ, đã có hơn 1.500 con lợn của hơn 400 hộ gia đình bị nhiễm bệnh, số lượng tiêu hủy lên đến hơn 63 tấn.
Khoảng 1 tháng qua, Bắc Kạn đã tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng
Đặc biệt, chỉ khoảng 1 tháng qua, dịch đã xuất hiện tại 34 xã, phường, thị trấn và vẫn đang có dấu hiệu lây lan nhanh trên diện rộng.
Ông Lý Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Chu Hương, huyện Ba Bể cho biết, hơn 10 ngày qua, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 3 thôn bản với hàng chục hộ có lợn nhiễm bệnh. Trong việc phòng chống dịch chủ yếu cũng nâng cao công tác tuyên truyền phòng chống dịch là chính, vì có nhiều vấn đề liên quan.
"Ví dụ tư thương mua lợn từ vùng khác mà họ chưa công bố dịch đến, mang lợn đang ủ bệnh đến tái đàn chẳng hạn, cũng rất khó. Vì xác định nguồn gốc đàn lợn vào địa phương để tái đàn rất khó, chúng ta không thể cấm vì đang khuyến khích tái đàn, quá trình đó chúng tôi cũng có kiểm tra, nhưng nếu lấy từ địa phương khác mà địa phương đó chưa công bố dịch thì vẫn phải chấp nhận” - ông Trường nói.
Để ngăn dịch tả lợn Châu Phi, tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch, kịp thời có các giải pháp khoanh vùng, dập dịch theo từng cấp độ. Hiện các loại dung dịch, hóa chất khử khuẩn cũng đã được chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo cho công tác phòng chống dịch của các địa phương.
Thời gian qua, thời tiết chuyển mùa là một trong những tác nhân khiến các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Kạn, việc người dân đẩy mạnh tái đàn sau Tết Nguyên đán, nhất là khi lợn hơi có phần tăng giá mà không đảm bảo nguồn gốc con giống cũng như chưa chấp hành tốt việc chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học... là nguyên nhân chủ yếu khiến dịch tái bùng phát.
Ông Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Bắc Kạn cho biết: “Trong chỉ đạo chung của ngành, đặc biệt lưu ý vấn đề mua con giống phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, tuy nhiên hầu hết các hộ chăn nuôi chưa thực hiện tốt. Với vắc xin thì chỉ tiêm phòng được cho lợn từ 4-10 tuần tuổi và chủ yếu phục vụ cho lợn thịt. Do đó, trong quá trình này, đầu tiên các hộ phải lựa chọn được lợn giống được từ các cơ sở đảm bảo. Thứ hai đó là phải đảm bảo chăn nuôi an toàn. Chúng ta đã có bài học từ các năm trước, đó là các trang trại nào làm tốt phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì không bị dịch bệnh”.
Trước thông tin có tình trạng một số đối tượng đi thu mua lợn chết của người dân với mục đích tuồn ra thị trường, tỉnh Bắc Kạn yêu cầu người chăn nuôi chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch; khuyến khích người dân kịp thời tố giác những hành vi mua bán lợn nhiễm bệnh, đồng thời yêu cầu lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Theo Công Luận (VOV)