Đề nghị Chính phủ xử lý tình trạng đầu cơ, thao túng thị trường vàng
Cử tri và nhân dân lo lắng giá vàng liên tục biến động và tăng cao sẽ tác động xấu đến nền kinh tế, đời sống người dân.
Tại báo cáo công tác dân nguyện tháng 4.2024 được nêu tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 15.5, vấn đề giá vàng tăng cao tiếp tục được đề cập với nhiều lo ngại.
Theo ông Dương Thanh Bình, UBTVQH, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số bộ ngành có giải pháp tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường vàng
Theo ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện (thuộc UBTVQH), cử tri và nhân dân lo lắng giá vàng liên tục biến động và tăng cao sẽ tác động xấu đến nền kinh tế, đời sống người dân.
Do đó, Ban Dân nguyện kiến nghị UBTVQH đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số bộ ngành có giải pháp tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Cùng với đó, tăng cường xử lý buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng thị trường bảo đảm cho thị trường vàng ổn định, minh bạch, lành mạnh.
Giá vàng trong nước thời gian qua liên tục tăng cao, đặc biệt sau các phiên đấu thầu vàng SJC cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức. Việc đấu thầu được kỳ vọng tăng nguồn cung vàng để "hạ nhiệt" giá mặt hàng này trong nước.
Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng đó, giá vàng SJC có thời điểm lên mức 92 triệu đồng/lượng, lập đỉnh lịch sử. Phía NHNN vẫn tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu sau khi giá vàng lập đỉnh, với các điều kiện tham gia đấu thầu nới lỏng hơn.
Ngày 14.5, tại cuộc họp với NHNN và các bộ ngành liên quan về công tác quản lý thị trường vàng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành. Trong tuần này, NHNN phải công bố quyết định thanh tra hoạt động kinh doanh vàng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có công điện gửi Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan về tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, đấu tranh phòng chống buôn lậu, kinh doanh trái phép vàng.
Công điện nêu rõ thời gian qua thị trường vàng vẫn diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế và liên tục có nhiều biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính và tâm lý xã hội.
Để đẩy mạnh đấu tranh phòng chống buôn lậu, kinh doanh trái phép vàng, tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo cơ quan hải quan các cấp chủ động, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, biên phòng, quản lý thị trường tập trung đấu tranh đối với các chuyên án buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng vàng, ngoại tệ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới.
Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành quy định áp dụng hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp, cửa hàng, địa điểm kinh doanh vàng. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với công an, quản lý thị trường kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về thuế, hóa đơn; chuyển cơ quan công an xử lý vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Theo báo cáo công tác dân nguyện, cử tri và nhân dân lo lắng khi liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm ở một số địa phương. Do đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường công tác chỉ đạo về phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhất là phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Theo MINH CHIẾN (NLĐO)