Lộc rừng Vĩnh Thạnh
Huyện Vĩnh Thạnh có nhiều sản vật quý mà núi rừng đã ban tặng cho con người như gỗ quý, nguồn nước, các sản vật từ rừng như mật ong, trái ươi bay, trái xoay, cây đót... Từ những sản vật này, người dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu.
Mùa nào cũng có lộc
Những tháng đầu năm đi dọc trên tuyến đường từ đèo Vĩnh Sơn đến các làng O3, O5, Kon Trú của xã Vĩnh Kim hay ngược lên các làng K4, Kon Plo của xã Vĩnh Sơn sẽ bắt gặp rất nhiều người dân hái đót. Mỗi mùa đót người dân Vĩnh Thạnh thu hoạch khoảng 20 đến 25 tấn đót. Anh Đinh Văn Ngươn ở xã Vĩnh Kim chia sẻ: “Tuy hái đót vất vả nhưng nếu chịu khó thì mỗi ngày có thể hái được từ 60 đến 70 kg, gia đình tôi có 3 người đi hái, mỗi ngày cũng được tạ rưỡi đót tươi, mỗi ký đót tươi có giá 6.000 đồng, tính ra một công hái đót được hơn 300 ngàn đồng/ngày. Nhờ khoản thu nhập này mà gia đình tôi mua sắm được một số đồ dùng và để dành chi tiêu cho con cái học hành trong năm”.
Hàng năm từ tháng 3 đến tháng 6 là mùa hoa rừng nở, cũng là mùa ong đi tìm mật. Ở Vĩnh Thạnh, mỗi năm những người đi rừng lấy về hàng ngàn lít mật, giá mật ong luôn ổn định ở mức từ 250 ngàn đến 300 ngàn đồng/lít mang lại nguồn thu nhập không nhỏ. Bá Khít ở làng O2, xã Vĩnh Kim, cho biết: “Mỗi mùa ong, cả làng vào rừng lấy mật, nhà nào nhiều thì cũng được vài ba trăm lít, gia đình mình cũng lấy được không dưới một trăm lít mật mỗi mùa. Tiền bán mật được bà con xem là một trong những nguồn thu nhập chính trong năm”.
Gần đây, bà con Bana các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn có thêm một khoản thu nhập tương đối nhờ vào việc hái trái cây cứt chuột, một loại cây dược liệu mọc hoang trên nương rẫy. Cây cứt chuột thường dùng trị lỵ amip, sốt rét, trĩ, trùng roi và giun đũa. Giá mỗi ký trái cứt chuột khoảng 100 ngàn đồng cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân.
Trái ươi bay, trái xoay cũng là một sản vật của núi rừng Vĩnh Thạnh. Thời gian gần đây vào mùa ươi, mùa xoay có đến cả ngàn người vào rừng tìm hái. Mỗi ký ươi bay có giá từ 300 ngàn đến 400 ngàn đồng, có người một ngày đi ươi “trúng” cả chục triệu đồng.
Và nhiều sản vật có giá trị kinh tế khác được bà con khai thác theo từng mùa như chuối hột rừng, lan đất, măng, nấm linh chi…
Lộc rừng không vô tận
Không thể phủ nhận vai trò của những sản vật phụ từ núi rừng mang lại cho người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, đặc biệt là các hộ nghèo có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, khi hoạt động mua, bán càng diễn ra sôi nổi, lượng người đi khai thác ngày càng đông thì các sản vật ngày càng trở nên cạn kiệt. Bởi vậy, vấn đề đặt ra với người dân cũng như chính quyền địa phương là phải khai thác một cách hợp lý, tránh làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Chẳng hạn thời gian qua cây ươi, cây xoay đã bị người dân tàn phá, cưa ngã vô tội vạ để thu hái quả. Ông Đinh Chương ở làng K8, xã Vĩnh Sơn, chia sẻ: “Trước đây, người dân địa phương thu quả ươi bằng cách nhặt ươi bay. Từ khi giá ươi tăng, người từ các địa phương khác đổ về đây dùng cưa máy khai thác nên một số người dân địa phương chạy theo cách khai thác này. Cây ươi năm nào cũng cho quả, thu nhập đều đặn. Bây giờ, họ hạ cây thế này, chẳng mấy chốc mà tan nát cả rừng ươi, nguồn thu này rồi cũng không còn nữa”.
Ông Đặng Bá Quang, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Vĩnh Thạnh có 44.361 ha rừng tự nhiên, trong đó có hơn 22.500 ha rừng đã được khoán cho người dân quản lý và bảo vệ. Tuy nhiên hiện nay phần lớn người dân vẫn chưa ý thức được nghĩa vụ và quyền lợi của mình khi nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Đã có rất nhiều trường hợp rừng có chủ vẫn bị xâm hại. Cụ thể như trong mùa ươi vừa qua, Hạt Kiểm lâm cũng đã phối hợp với các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tận thu ươi bằng cách nhặt quả rụng. Nhưng vì cái lợi trước mắt, nhiều người vẫn lén lút vào rừng đốn cây để khai thác”.
Tuy lộc rừng ở Vĩnh Thạnh nhiều, nhưng không phải vô tận. Nếu khai thác không đúng quy trình thì nguồn lợi từ rừng sẽ cạn kiệt, môi trường sống sẽ ngày càng xấu đi. Ông Lê Công Chính, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, tâm sự: “Những lâm sản phụ dưới tán rừng Vĩnh Thạnh hết sức giá trị, nếu biết phát triển, xây dựng những mô hình nông - lâm kết hợp thì rừng sẽ cho cuộc sống no ấm, đủ đầy”.
Bài, ảnh: XUÂN DŨNG