Kiến nghị nhiều vấn đề thiết thân với người lao động
Ngày 16.5, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với LÐLÐ tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc giữa Ðoàn ÐBQH tỉnh với đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động.
Làm mới, tăng sức hấp dẫn cho tổ chức Công đoàn
Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp nhận 3 nhóm vấn đề kiến nghị của cán bộ, đoàn viên, người lao động được LĐLĐ tỉnh tổng hợp báo cáo, gồm các vấn đề liên quan đến Luật Công đoàn (sửa đổi); các vấn đề liên quan đến Luật BHXH (sửa đổi); việc làm, thu nhập, đời sống và các chế độ chính sách pháp luật liên quan đến người lao động. 27 lượt ý kiến trực tiếp của đại diện các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động tại Hội nghị cũng tập trung chủ yếu vào 3 nhóm vấn đề này.
Chủ trì điều hành Hội nghị. Ảnh: H.THU
Theo đó, đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Luật Công đoàn theo hướng giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; tiếp cận và xử lý các vấn đề mới phát sinh, tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam, cơ chế tài chính công đoàn, các quy định của pháp luật công đoàn...
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Quy Nhơn Nguyễn Thị Hoài Mộng Thủy, hiện nay, số lượng cán bộ công đoàn ở cấp tỉnh, huyện được bố trí chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và số lượng đoàn viên, lao động đang trong xu hướng tăng lên, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn... “Đề nghị Quốc hội xem xét có quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của Công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, bà Thủy nêu ý kiến.
Nhiều vấn đề khác được nêu tại Hội nghị như cần quan tâm về tiền lương, giải quyết chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật, xem xét về độ tuổi nghỉ hưu, chính sách hỗ trợ đối với các ngành, nghề mang tính chất đặc thù...
Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng cần quan tâm đến chế độ, chính sách đối với công việc của giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng. “Đặc thù công việc giáo viên mầm non rất vất vả, áp lực. Do vậy, cần có sự quan tâm đặc biệt, tạo mọi điều kiện để đội ngũ giáo viên mầm non yên tâm công tác và cống hiến. Đề nghị Quốc hội xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non vào nhóm ngành, nghề nặng nhọc”, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Mẫu giáo Hương Sen (TP Quy Nhơn), kiến nghị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn yêu cầu lãnh đạo Sở Nội vụ, BHXH tỉnh, LĐLĐ tỉnh giải trình các vấn đề liên quan. Đồng chí Lê Kim Toàn trao đổi, phân tích làm rõ hơn một số quy định của pháp luật chưa phù hợp với thực tế.
Về biên chế, Ban Tổ chức Trung ương và Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam đang làm việc, thống nhất đề xuất Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế cân đối biên chế trong hệ thống công đoàn các cấp. Liên quan đến ý kiến về xe đưa đón công nhân cũ kỹ, mất an toàn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh yêu cầu xe phải được đăng kiểm; cho biết sẽ chỉ đạo Sở GTVT kiểm tra xe đưa đón công nhân trên địa bàn tỉnh.
Theo đồng chí Lê Kim Toàn, tổ chức Công đoàn không thể thiếu trong hệ thống chính trị Việt Nam, nhưng cần phải làm mới, tăng sức hấp dẫn để thể hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, khẳng định được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của mình. Đối với những nội dung xung quanh Luật Công đoàn (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, có những ý kiến đóng góp xác đáng trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Thực hiện BHXH cần quan tâm đến quyền lợi người lao động
Nhiều ý kiến được nêu ra tại Hội nghị cũng cho thấy những bất cập, hạn chế, khó khăn trong thực hiện chính sách BHXH; đồng thời kiến nghị ban hành các quy định cụ thể để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Hà Thụy Phúc Trầm nêu kiến nghị. Ảnh: H.THU
Theo Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Hà Thụy Phúc Trầm, tình trạng DN trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động vẫn rất nhức nhối. “Đề nghị việc sửa đổi Luật BHXH phải khắc phục được tình trạng nêu trên, đồng thời xử lý nghiêm các chủ DN cố tình trốn đóng BHXH”, bà Trầm nói.
Còn bà Lê Thị Lệ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh), cho rằng người lao động rút BHXH 1 lần có nhiều lý do. Đề nghị Quốc hội quan tâm có các quy định và giải pháp tổng thể để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Ông Nguyễn Thành Tín, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Đồ gỗ Nghĩa Sơn (huyện Vân Canh), nêu thực tế trên địa bàn huyện có một số DN gặp khó khăn, không có đơn hàng, phải đóng cửa trong thời gian dài, nợ đóng BHXH, BHYT. “Theo quy định, nợ đóng BHYT quá 30 ngày thì người lao động sẽ bị khóa thẻ BHYT, ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh, nhưng lãi nợ đóng vẫn cộng dồn. Cần xem xét lại quy định này”, ông Tín kiến nghị.
Đồng chí Lê Kim Toàn nhấn mạnh, BHXH là một trong những trụ cột của an sinh xã hội, có ý nghĩa, lợi ích thiết thực đối với người lao động. “Vấn đề đặt ra là làm sao chính sách BHXH thực sự hấp dẫn, giải quyết những khó khăn trước mắt và lo cho lâu dài thì Quốc hội đang bàn. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ chuẩn bị ý kiến, tiếp tục tham gia đóng góp cho Luật BHXH (sửa đổi)...”, đồng chí Lê Kim Toàn cho biết.
Đồng chí Lê Kim Toàn cho rằng, vì DN nợ mà khóa thẻ BHYT, đẩy khó khăn, rủi ro cho người lao động là không ổn thỏa, không thể hiện hết trách nhiệm với người lao động. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ nghiên cứu, kiến nghị về việc này.
Cùng với đó, đã có quy định xử lý hình sự đối với DN chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động, nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh chưa khởi tố hình sự vụ án nào. Người lao động có thể khởi kiện, ủy quyền cho tổ chức đại diện cho mình là Công đoàn khởi kiện, nhưng cũng chưa có vụ kiện nào. “Quy định có thừa, mong muốn có thừa, nhưng những cơ quan liên quan thực hiện chưa nghiêm. Cần phải tăng cường trách nhiệm...”, đồng chí Lê Kim Toàn nhấn mạnh.
HOÀI THU