Nguy cơ
Xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta. Theo Bộ Y tế, ước tính 6 tháng đầu năm 2014, tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đã lên đến trên 114 bé trai/100 bé gái. Hiện tỉ số giới tính khi sinh tại Việt Nam đã ở mức vượt con số dự tính vào năm 2018 và vẫn đang tiếp tục tăng. Ở Bình Định có thời điểm tỉ số giới tính khi sinh ở mức trên 120/100. Sau nhiều cố gắng nỗ lực để cân bằng giới tính, năm 2012, tỉ số giới tính khi sinh là 112,4 nam/100 nữ.
Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tăng tỉ lệ chênh lệch nam/ nữ hiện nay là do tư tưởng trọng nam khinh nữ của những bậc làm cha, làm mẹ. Nhiều gia đình tìm mọi cách để có con trai “nối dõi tông đường”. Trong số này có cả những người là đảng viên, cán bộ công chức nhà nước, những người có học thức cao.
Trong khi đó công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình vẫn còn nhiều hạn chế. Pháp lệnh Dân số nghiêm cấm việc tuyên truyền, lựa chọn thai nhi, nhưng thực tế đang có hàng ngàn cơ sở siêu âm xác định giới tính vẫn ngang nhiên hoạt động, nhiều người dễ dàng bỏ thai nếu siêu âm xác định giới tính là nữ. Và đó cũng là lý do dẫn đến nước ta được xếp vào nhóm nước có mức nạo phá thai cao nhất thế giới.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu không có giải pháp can thiệp hiệu quả hơn để nhanh chóng đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức bình thường thì trong khoảng 15 - 20 năm nữa sẽ có khoảng 2,3 - 4,3 triệu nam giới Việt Nam không có khả năng lấy được vợ là người Việt Nam. Hệ lụy của vấn đề này rất khó lường, mà trực tiếp là phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng thêm tình trạng bạo lực giới và tình trạng mãi dâm, buôn bán phụ nữ.
Vì vậy, việc thực hiện linh hoạt các giải pháp nhằm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh cần được chú trọng nhiều hơn. Bên cạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, ngành y tế cần tăng cường quản lý, giám sát các cơ sở siêu âm, xét nghiệm, nạo phá thai, tránh việc can thiệp sai pháp luật.
Thêm vào đó, cần quan tâm hơn tới việc nâng cao vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội và tăng cường vị thế và các quyền của họ. Các cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm gương mẫu trong công tác kế hoạch hóa gia đình và thực hiện bình đẳng giới. Đẩy mạnh hơn nữa chương trình an sinh xã hội cho người cao tuổi để giúp các gia đình không phải trông cậy hoàn toàn vào con trai lúc tuổi già.
Còn nhớ phát biểu của bà Nobuko Horibe, Giám đốc VP UNFPA khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Hội nghị quốc tế về mất cân bằng giới tính khi sinh, tổ chức tại Hà Nội tháng 10.2011:Tăng cường bình đẳng giới và thực thi luật, chính sách quốc gia về cấm lựa chọn giới tính đòi hỏi phải có những biện pháp khẩn cấp và có sự phối hợp của mọi ban ngành và xã hội, coi đây là một vấn đề về quyền con người và vạch rõ quá trình phát triển riêng của từng nước. Chúng ta phải cùng nhau hành động để bảo đảm xã hội hiểu rõ rằng lựa chọn giới tính chính là phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái, và tình trạng này phải chấm dứt. Mọi người chúng ta đều biết bình đẳng giới chính là trọng tâm của tiến trình phát triển của mỗi nước.
Ngọc Minh