Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
(BĐ) - Ngày 17.5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chủ trì.
Tham gia hội nghị tại điểm cầu Bình Định có lãnh đạo Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định. ảnh: K.A
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, thời gian qua, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh dần quan tâm hơn đến công tác giám định tư pháp (GĐTP), từng bước nhận diện và triển khai, thực hiện rõ nét hơn các nhiệm vụ được giao về GĐTP, nhất là sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chỉ đạo về giám định tư pháp, đồng thời kiểm tra công tác này tại một số Bộ, ngành và địa phương.
Đến nay, cả nước có 580 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng, xây dựng, TN&MT, TT&TT, văn hóa, giao thông vận tải, KH&ĐT, NN&PTNT, bí mật nhà nước, tư pháp, bảo hiểm xã hội... Qua đó, đã thực hiện 1.039.615 vụ việc. Đội ngũ giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực trong toàn quốc là 7.135 người; có 2.621 người giám định tư pháp theo vụ việc.
Tại Bình Định, từ ngày 1.1.2018 - 30.6.2023 đã thực hiện hơn 6.000 vụ việc giám định. Trong đó, chủ yếu là thực hiện GĐTP theo trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, là vụ việc trên lĩnh vực hình sự, giám định pháp y.
Hội nghị đã đánh giá toàn diện kết quả, tồn tại, hạn chế và xác định rõ hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp, từ đó đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP để làm cơ sở kiến nghị, đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Giám định tư pháp và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường trách nhiệm, phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với công tác GĐTP, nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định và bảo đảm kinh phí hoạt động cho các tổ chức giám định tư pháp công lập, đồng thời, bảo đảm kinh phí, điều kiện giám định cho các cơ quan, đơn vị nhà nước và công chức, viên chức ở lĩnh vực kiêm nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định.
Cùng với đó, tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ giám định cho đội ngũ làm giám định, bảo đảm mỗi người giám định đều được trang bị đầy đủ kiến thức pháp lý và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ giám định; chú trọng và thường xuyên tổ chức tập huấn cập nhật quy định pháp lý mới và kiến thức, phương pháp nghiệp vụ, chuyên môn mới; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ người giám định tư pháp ở các lĩnh vực… góp phần đáp ứng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ nói riêng cũng như yêu cầu về cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong thời gian tới.
K.ANH