Những tấm gương bình dị mà cao quý - Kỳ 2: Sáng tạo, trách nhiệm với công việc
Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về sự bền bỉ trong lao động và tinh thần năng động, sáng tạo, vượt qua chính mình, luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trên các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng.
Tình yêu nghề thôi thúc
Trở thành cô giáo mầm non từ năm 2013, cô Đinh Thị Hồng Linh (31 tuổi, giáo viên Trường Mầm non An Dũng, xã An Dũng, huyện An Lão) luôn hết lòng với sự nghiệp, niềm yêu thích mà mình đã chọn.
Lớn lên trong gia đình ở miền núi nghèo có 8 anh chị em, là người dân tộc H’re, cô Linh hiểu sâu sắc sự học quan trọng như thế nào với con em đồng bào mình. Từ đó, cô dốc lòng vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường, chăm sóc, dạy dỗ các em từ giấc ngủ, miếng ăn đến những nét chữ đầu tiên.
Năm học 2019 - 2020, xã An Dũng dời về vị trí mới để phục vụ thi công hồ chứa nước Đồng Mít. Cơ sở vật chất tốt hơn, Trường Mầm non An Dũng bắt đầu tổ chức bán trú. Để các em 5 tuổi được chăm sóc, dạy dỗ tốt và làm quen một số kỹ năng trước khi lên lớp 1, nhà trường chủ trương vận động phụ huynh có trẻ 5 tuổi đưa con về học tập ở điểm trường chính. Nhiều phụ huynh đã e ngại do đường đưa con đến lớp sẽ xa hơn nhưng khi các cô giải thích, thuyết phục, phụ huynh đã đồng ý.
Cô giáo Đinh Thị Hồng Linh giúp trẻ tăng cường tiếng Việt qua các hoạt động giáo dục hằng ngày. Ảnh: NVCC
Cô Linh chia sẻ: “Khác với các lớp nhà trẻ, mầm, chồi, các bé lớp lá phải học nhiều hơn. Các cô còn phải chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ vì đây là giai đoạn quan trọng để chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1. Việc tập trung trẻ 5 tuổi về điểm trường chính tạo thuận lợi hơn cho trẻ trong hoạt động giáo dục và tiếp nhận kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Rất vui vì sau khi gõ cửa từng nhà để giải thích, chúng tôi nhận được nhiều cái gật đầu”.
Với mong muốn trẻ có nền tảng tiếng Việt tốt để vào lớp 1 được học tập thuận lợi hơn, cô giáo Linh vừa hoàn thành sáng kiến “Tăng cường tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ”. Theo đó, cô Linh phát huy thế mạnh biết được cả tiếng H’re và tiếng Việt trong việc hướng dẫn các bé nói tiếng Việt để gọi tên các sự vật, hiện tượng xung quanh.
Bà Lỡ Thị Thúy Lan, chuyên viên phụ trách mầm non, Phòng GD&ĐT huyện An Lão, cho biết: “Là cô giáo trẻ, chưa có con nhưng tình yêu, sự chỉn chu của cô Linh dành cho các học trò bé nhỏ là điều các đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh đều có thể cảm nhận được. Sự hết lòng của cô Linh góp phần mang lại những kết quả đáng mừng trong công tác giáo dục mầm non không chỉ ở An Dũng mà còn cho toàn huyện”.
Tình yêu nghề thôi thúc sự sáng tạo, thầy giáo Phan Khắc Đáp, giáo viên môn tiếng Anh ở Trường Tiểu học Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân) đã thiết kế ra ứng dụng giúp học sinh “vừa chơi vừa học” tiếng Anh. Ứng dụng đã đạt giải khuyến khích vòng chung khảo cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ I, năm học 2022 - 2023, do Bộ GD&ĐT tổ chức, được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp giấy chứng nhận “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Theo thầy Đáp, hầu hết học sinh đều bị hấp dẫn bởi các trò chơi điện tử. Hiểu được tâm lý ấy, thầy nghiên cứu, tìm hiểu, tìm cách thay dữ liệu trong trò chơi thành từ vựng, cấu trúc tiếng Anh. Những giờ học vì thế sinh động, đầy hứng thú mà không kém phần hiệu quả. Thầy Đáp chia sẻ: “Sự yêu thích công nghệ, cộng với trách nhiệm với công việc và học trò đã giúp tôi tạo ra ứng dụng dạy học được đánh giá cao. Hơn hết, kết quả tích cực này được tạo động lực, cổ vũ từ môi trường sư phạm chuyên nghiệp, sáng tạo, từ các lãnh đạo và đồng nghiệp của tôi”.
Sáng tạo từ công việc hằng ngày
Trong suốt thời gian làm việc, anh Nguyễn Phi Thường (29 tuổi, kỹ sư bảo trì, Phòng kỹ thuật, Công ty CP Fresenius Kabi Việt Nam) luôn nghiền ngẫm, nghiên cứu để đưa ra các sáng kiến nhằm cải tiến năng suất, giảm thiểu các rủi ro, tiết kiệm chi phí cho DN. Hơn 5 năm làm việc tại đơn vị, anh đã có 5 sáng kiến được công nhận.
Tinh thần trách nhiệm, sáng tạo luôn thôi thúc anh Nguyễn Phi Thường nghiên cứu cho ra đời các sáng kiến mới góp phần nâng cao hiệu quả công việc. Ảnh: NVCC
Trong đó, anh tâm đắc nhất là sáng kiến “Hệ thống giám sát, lưu trữ, điều khiển quá trình xử lý ảnh, thông tin in phun trên nhãn và tự động loại bỏ chai không đạt”. Anh cho biết: “Thông qua việc tích hợp camera và công nghệ, sáng kiến này đã góp phần giảm công lao động, giảm chi phí trong khâu đóng gói và đảm bảo 100% chai dịch truyền được dán nhãn, in phun đúng. Qua đó, giúp tiết kiệm được 150 triệu đồng chi phí lắp đặt thiết bị từ công ty bên ngoài”.
Là thành viên Ban An toàn, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP May Phù Cát (huyện Phù Cát), chị Nguyễn Thị Loan (55 tuổi) dành sự quan tâm, nghiên cứu và đề xuất những sáng kiến nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an toàn cho người lao động. Năm 2023, chị Loan đã đề xuất sáng kiến cải tiến vòng chắn kim (bảo hiểm 1 kim 19S-6123A) để người lao động dễ sử dụng, đảm bảo an toàn.
Theo chị Loan, trước đó, Công ty sử dụng vòng chắn kim inox loại mảnh, cách mặt máy may cao và dễ uốn cong, dẫn đến người lao động hay tự ý điều chỉnh dẫn đến không an toàn lao động, dễ bị kim đâm vào tay trong quá trình đưa sản phẩm vào may. Với bảo hiểm 1 kim 19S-6123A mà chị đề xuất có bề mặt lớn, dày, khó uốn cong, bề mặt tiếp xúc gần mặt máy may nên công nhân không bị kim đâm trong quá trình đẩy vải vào may, vải không bị sướt trong quá trình may. Chất liệu inox của vòng chắn kim này giúp tăng tuổi thọ thiết bị, tiết kiệm chi phí thay mới. Từ sáng kiến của chị Loan, DN đã áp dụng cho tất cả máy 1 kim.
Đồng hành cùng người lao động, chị Nguyễn Thị Loan đã đề xuất sáng kiến góp phần tiết kiệm chi phí, giảm nguy cơ kim đâm vào tay. Ảnh: N.M
Anh Thường, chị Loan là 2 trong 28 người lao động tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về những thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác từ năm 2022 - 2023.
Còn rất nhiều người lao động khác đang nỗ lực cải tiến, đề xuất các sáng kiến để hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày một hiệu quả, tiết kiệm như Bác Hồ từng nói: “Sáng kiến và kinh nghiệm là vốn quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi”.
Vượt lên chính mình
Anh Nguyễn Tiến Hữu (25 tuổi, ở xã Hoài Hải, TX Hoài Nhơn) là 1 trong 2 thanh niên khuyết tật của tỉnh được tuyên dương tại chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2023, do Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Công ty TNHH TCP Việt Nam phối hợp tổ chức.
Hữu mồ côi cha từ thuở lọt lòng, lại gặp biến cố gãy xương cổ khi vừa tròn 2 tháng tuổi khiến miệng méo, phát âm khó khăn, tay chân co quắp. “Mình không chọn được cơ thể, hoàn cảnh gia đình nhưng được chọn cách sống tích cực, có ích”, lời của Hữu làm bao người suy ngẫm.
Anh Hữu vẫn cố gắng tự học chữ, học nghề, bán vé số, sửa chữa đồ điện tử để nuôi bản thân và phụ giúp gia đình. Hơn hết, chàng trai khuyết tật còn đi giúp người, giúp đời, truyền động lực cho rất nhiều người khác. Hữu đã thành lập CLB thiện nguyện Ngọc Hữu vào tháng 4.2023. Năm 2023, CLB phối hợp với Xã đoàn Hoài Hải tặng 120 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hơn 45 triệu đồng. Hành trình vượt lên chính mình, truyền động lực, sống có ích của Hữu vẫn đang tiếp tục, lan tỏa.
Trên trang Facebook cá nhân, Hữu thường xuyên chia sẻ những dòng thơ tự sáng tác, các bài viết tích cực. Anh càng được mọi người yêu mến và khâm phục vì tâm - trí trong sáng, nghị lực bền bỉ. Hữu tâm sự: “Tôi hy vọng khi nhớ đến tôi, mọi người sẽ nhớ đến một thanh niên yêu đời, gắng hết sức để sống tốt và chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ. Chỉ khi thấu hiểu và trao đi, hạnh phúc mới vẹn tròn!”.
N.MUỘI - T.KHUY - D.LINH
(Hết)