Hỏi đáp pháp luật
Hỏi: Tết Nguyên đán vừa rồi, 2 con gái tôi học ở TP Hồ Chí Minh phải mua vé xe về quê với giá rất cao. Với những gia đình khó khăn như chúng tôi, việc chi một khoản tiền như vậy để các cháu về quê là rất lớn. Nhiều người khi làm ăn xa quê, vì không lo được tiền nên đành đón tết ở đất khách. Xin cho tôi biết, việc các nhà xe tăng giá quá cao vào các dịp lễ, tết có vi phạm pháp luật hay không?
(Ông Mai Xuân Phúc, ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát)
Đáp:
Theo luật gia Huỳnh Thị Kim Xuyên, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách được phép tăng giá vé xe vào dịp tết, tuy nhiên phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc niêm yết thông tin giá vé. Nếu có trường hợp sai phạm về việc niêm yết, bán vé cao hơn so với giá niêm yết sẽ bị xử phạt theo quy định.
Cụ thể, điều 19 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT và điều 1 Thông tư 02/2021/TT-BGTVT (sửa đổi từ Thông tư 12/2020/TT-BGTVT) quy định về niêm yết thông tin đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách nêu rõ, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách phải niêm yết giá vé xe vào dịp tết. 3 hình thức gồm niêm yết tại quầy bán vé, trên xe (mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe), trong xe.
Nếu đơn vị nào không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ giá vé xe dịp tết sẽ bị phạt tiền 3 - 4 triệu đồng đối với cá nhân; từ 6 - 8 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải; ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng.
Bên cạnh đó, nếu đơn vị nào bán vé xe không đúng với mức giá niêm yết sẽ bị phạt 10 - 12 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi bán vé xe không đúng giá niêm yết.
XUÂN QUỲNH (Thực hiện)