Ba & tháng Tư
Tản văn của NGUYỄN TRUNG THÀNH
Có lẽ sẽ không có điều gì phải nói nếu như bàn tay đó bình thường như bao bàn tay khác. Tuy nhiên điều không bình thường đó là bàn tay thật của ba tôi đã bị giặc Mỹ cướp đi. Sau 30.4.1975, trở về từ chiến trường vừa im tiếng súng, ba tôi mang theo nhiều vết thương trên thân thể, trong đó điều hiện lên rõ nhất là cánh tay phải của ba bị cụt một phần. Tôi sinh ra khi đất nước đã hòa bình, nhưng cuộc sống còn vô vàn khó khăn thiếu thốn và điều khó khăn thiếu thốn đó còn được nhân lên gấp bội khi mẹ tôi lâm bệnh nặng đã qua đời, để lại bốn đứa con thơ ngây nheo nhóc cho ba.
Bắt đầu những tháng ngày vất vả và cực nhọc của cuộc sống thời bao cấp với chế độ tem phiếu, vì tôi là con trai duy nhất lại là út nên đi đâu ba cũng địu đi theo. Nhiều hôm ba về muộn, tôi cứ gật gù ngủ trên lưng ba cho đến lúc về nhà. Một mình ba tất bật lo cho chị em tôi từng miếng ăn, giấc ngủ. Chị cả tôi lúc đó mới hơn 10 tuổi nên đã được ba chỉ vẽ cho một số công việc vặt trong gia đình, vì thế chị rất đảm từ nấu cơm giặt giũ chị đều biết phụ ba, chỉ có tôi là hay mè nheo vòi vĩnh ba đủ thứ.
Những hôm ba có việc phải đi cả ngày, tôi cứ khóc hoài chị cả tôi dỗ không được, chiều đủ thứ cũng không xong các chị bèn tìm cách dọa cho tôi nín. Một hôm không biết chị cả lấy ở đâu ra một cánh tay dài bằng nhựa (sau này tôi mới biết đó là bàn tay giả của ba mà Nhà nước cấp để lắp vào cánh tay bị mất). Cánh tay màu đen do ba để trên gác bếp, các chị huơ huơ trước mặt tôi khiến tôi im bặt ôm chặt lấy chị và không dám khóc nữa, từ đó hễ tôi quấy khóc là các chị lại đem cánh tay ra để dọa tôi.
Tranh của họa sĩ TRẦN NGUYÊN
Lớn hơn một chút tôi đã biết chơi một mình, các chị lại bắt đầu đi học cũng đồng nghĩa với ba lại phải lo nhiều thứ hơn, quần áo, sách vở. Điều tôi thích thú nhất là được ngồi bên xem ba vá quần áo, vì chỉ còn một cánh tay nên ba đã phải thiết kế thêm một mảnh gỗ to bằng bàn tay để kê mảnh vải lên, thế mà từng đường kim, mũi chỉ của ba cứ thẳng và đều tăm tắp. Và còn điều thú vị nữa là ba vẫn tranh thủ chẻ tre, vót nan đan rổ, giá… những công việc mà nhiều người bình thường còn khó mà làm được thì ba vẫn làm một cách hết sức khéo léo.
Duy chỉ có một điều cứ ám ảnh tôi mãi và mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn thấy thương ba đến trào nước mắt, đó là khi ăn cơm ba chỉ có một bàn tay nên không thể bưng bát lên được. Cánh tay bị thương của ba phải gập lại, ba kẹp bát cơm vào cùi tay và người khó nhọc để ăn. Tôi lúc đó chưa hiểu được nỗi đau của ba, nên lén bắt trước bưng bát như ba thế là đổ ụp cả bát cơm xuống mâm. Những lúc ngủ cùng ba tôi cứ thích mân mê cánh tay của ba, chỗ bị cắt cụt mà hít hà và ngây thơ hỏi thế một bàn tay của ba đâu, ba xoa đầu bảo con phải ngoan nghe lời ba và các chị... Còn bàn tay giả chỉ những khi đi xa bằng xe đạp, ba mới đeo vào để dễ điều khiển. Giờ đây chúng tôi đã trưởng thành, biết lo cho ba thì ba lại về với mẹ với tổ tiên.
Tháng Tư với tôi luôn rất dài. Chiều 30 thắp nén hương trầm lên ban thờ tôi khấn ba, vẫn còn đây, những kỷ vật của ba trong đó thứ tôi hằng nâng niu trân trọng là bàn tay giả đã gắn bó máu thịt với ba, được tôi lau chùi cẩn thận như nhắc tôi rằng ba vẫn luôn bên cạnh chị em tôi…