Nông dân Nguyễn Xuân Ánh vượt khó làm giàu
Với mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp, mỗi năm ông Nguyễn Xuân Ánh, 52 tuổi, ở thôn Thuận Phong, xã Cát Lâm (huyện Phù Cát) “bỏ túi” 500 triệu đồng. Mới đây, ông vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương.
Tiếp tôi trong ngôi nhà khang trang, ông Nguyễn Xuân Ánh kể về quá trình khởi nghiệp: “Năm 2005, Nhà nước có chủ trương trồng cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Vì vậy, tôi đến vùng đất kinh tế Tam Sơn thuộc thôn Thuận Phong khai hoang 3 ha đất để trồng cây điều. Tuy nhiên, cây điều chậm phát triển, vì tôi chăm sóc không đúng cách”.
Nông dân Nguyễn Xuân Ánh được UBND tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ… tặng nhiều bằng khen. Ảnh: TRỌNG LỢI
Trong lúc chờ cây điều cho quả, ông Ánh trồng thử nghiệm cây mì dưới tán điều. Sau khoảng 10 tháng, cây mì cho thu nhập khá. Nhờ đó, ông có thêm chút vốn để chăm sóc cho cây điều đã trồng trước đó. Ba năm sau, nhận thấy đất trồng mì dưới tán điều bị thoái hóa, ông quyết định chuyển đổi cơ cấu sang trồng cây đậu phụng. Đồng thời, ông vay 10 triệu đồng từ Hội Nông dân xã Cát Lâm mua 1 con bò sinh sản để tạo đàn; tận dụng nguồn phân chuồng tại chỗ để bón cho cây điều và nuôi thêm ít gà thả vườn. Nhờ cách trồng và chăm sóc theo phương pháp “lấy ngắn nuôi dài”, ông Ánh có thêm điều kiện mở rộng diện tích trồng cây điều, rồi cây keo lai và phát triển gia súc, gia cầm.
Sau nhiều năm thử nghiệm các mô hình để tìm cách thoát nghèo, từ năm 2020 đến nay, mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp của ông Nguyễn Xuân Ánh bắt đầu ổn định, cho nguồn thu nhập cao. Hiện nay, ông có trong tay 8 ha cây điều đã cho quả, 2 ha cây keo lai, 20 con bò (12 con bò sinh sản và 8 con bò lai 3B nuôi vỗ béo) và 500 con gà thả vườn (nuôi 2 lứa/năm); mỗi năm ông lãi ròng 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Ánh được Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh… tặng nhiều bằng khen, như: Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen có thành tích trong lao động sản xuất từ năm 2012 - 2016, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH, bảo vệ Tổ quốc. Năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ hỗ trợ nông dân nghèo khó khăn giai đoạn 2017 - 2019. Năm 2022, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2022; danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương, giai đoạn 2017 - 2022 và danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022…
Có được thành quả như hôm nay, ông Ánh cho biết đã trải qua nhiều khó khăn và thử thách. “Khó nhất vẫn là nguồn vốn, hơn nữa, lúc mới làm tôi cũng không hiểu nhiều về kiến thức trồng trọt và chăn nuôi. Do vậy, trồng cây gì, nuôi con gì cũng không đem lại hiệu quả cao. Giữa muôn trùng khó khăn, có lúc tôi nghĩ phải dừng lại…”, ông Ánh thổ lộ.
Không chùn bước, ông Ánh đã phải nỗ lực, học hỏi, rút kinh nghiệm và tự tin đứng vững để vượt qua khó khăn. Ông rút ra được “bí kíp” để cây điều và vật nuôi phát triển tốt, thì khâu chăm sóc, phòng bệnh cực kỳ quan trọng, trong đó khâu chọn giống và phòng trừ dịch bệnh quyết định đến sự thành bại.
Mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp của ông Ánh đã và đang tạo công việc cho nhiều lao động ở địa phương. Bình quân, hằng ngày có từ 5 - 7 lao động làm việc; con số này tăng lên 20 - 30 lao động khi bước vào chính vụ thu hoạch điều, đậu phụng... Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Ánh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với người dân địa phương, giúp bà con cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Minh, Võ Văn Nam, Đặng Tỏ, bà Nguyễn Thị Năm… Bên cạnh đó, ông Ánh còn tích cực hỗ trợ cho nhiều hoạt động an sinh xã hội ở địa phương, trong đó có quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ Hỗ trợ nông dân, hay đóng góp xây dựng đường bê tông xi măng liên xóm… Ông Ánh còn phối hợp cùng cán bộ khuyến nông xã mở nhiều lớp tập huấn tại nhà, nhằm truyền đạt kinh nghiệm và chuyển giao các tiến bộ KHKT cho những hộ khó khăn xung quanh cùng phát triển kinh tế. Ông cũng là người đi đầu ở địa phương trong vận dụng các sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng KHKT, công nghệ trong chăn nuôi như: Xây dựng các hầm biogas, sử dụng đệm lót sinh học để hạn chế mùi hôi...
TRỌNG LỢI