TP Quy Nhơn quản lý an toàn thực phẩm ra sao?
Trên địa bàn TP Quy Nhơn tập trung nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, điểm bán thức ăn đường phố, vì vậy vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trở nên cấp thiết, nhất là từ tháng 6 tới đây, chuỗi sự kiện du lịch hè 2024 tập trung người dân và khách du lịch.
Chú trọng kiểm tra, giám sát
Cơ sở dịch vụ ăn uống Phát Triển (thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý) phục vụ chủ yếu cho khách du lịch. Chủ cơ sở Võ Nguyễn Ngọc Triển cho hay, thời điểm này lượng khách du lịch khoảng 20 - 30 người/ngày, cơ sở bố trí 5 nhân viên phục vụ. Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) TP Quy Nhơn do ông Võ Nam Thống, Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố làm trưởng đoàn, kiểm tra và ghi nhận hạn chế tại cơ sở này về bảo hộ lao động cho nhân viên và thực hiện quy định điều kiện ATTP khu vực bếp.
Kiểm tra việc lưu mẫu phục vụ truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại một cơ sở chế biến thực phẩm ở phường Quang Trung. Ảnh: M.H
Tập trung các điểm du lịch hút khách, xã Nhơn Lý hiện có hơn 200 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Từ đầu năm 2024 đến nay, địa phương đã kiểm tra 41 cơ sở, qua đó ghi nhận nhiều cơ sở chưa có giấy khám sức khỏe cho nhân viên; cơ sở bán thịt trong chợ chưa xuất trình được giấy kiểm dịch thú y… Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, các cơ sở cơ bản là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên khó khăn cho quản lý ATTP. Công tác giám sát, kiểm tra đột xuất được địa phương tăng cường, song mất nhiều thời gian do nguồn lực và nhân lực còn hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Bích Trâm, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung, cũng cho hay trên địa bàn phường có 189 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Công tác kiểm tra, giám sát thời gian qua tại các cơ sở cho thấy điều kiện vệ sinh các cơ sở ăn uống, người trực tiếp sản xuất chế biến thực phẩm có nhiều chuyển biến tích cực, song một số cơ sở nhỏ lẻ chưa chấp hành quy định ATTP, nhất là việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người chế biến thực phẩm.
Ông Võ Nam Thống thông tin, hiện thành phố có khoảng 2.394 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố do các cấp quản lý. Trong Tháng hành động vì ATTP, thành phố kiểm tra 310 cơ sở, hầu hết chấp hành đúng quy định pháp luật về ATTP. Tuy vậy, một số chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm còn thiếu kiến thức về ATTP nên trong quá trình thao tác còn nhiều bất cập. Hơn thế, địa bàn rộng, nhiều cơ sở, thường xuyên thay đổi chủ cơ sở nên công tác quản lý ATTP gặp nhiều khó khăn.
Nở rộ thức ăn đường phố, quản ra sao?
Riêng cơ sở thức ăn đường phố và dịch vụ ăn uống do phường, xã quản lý theo phân cấp, địa bàn Quy Nhơn có khoảng 1.239 cơ sở. Ông Võ Nam Thống thẳng thắn, dù thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, nhưng để đảm bảo tất cả hàng quán, ăn vặt, hàng rong đảm bảo vệ sinh ATTP là không hề dễ dàng. Bởi, phần lớn cơ sở không cố định. Việc kiểm tra, xử phạt cơ sở thức ăn đường phố thuộc trách nhiệm của tuyến xã nhưng lại không đủ nhân lực để thực hiện. Bên cạnh đó, trước đây có quy định những người kinh doanh thức ăn đường phố phải được trạm y tế địa phương tập huấn về ATTP, nhưng hiện nay đây không còn là quy định bắt buộc mà chủ cơ sở tự xác nhận tập huấn kiến thức, tự chịu trách nhiệm.
Phường Lê Lợi hiện quản lý 107 cơ sở thức ăn đường phố. Quản lý dịch vụ này, y sĩ Nguyễn Khuê Trâm, Phó trưởng trạm phụ trách Trạm y tế phường Lê Lợi, cho hay: Địa phương tăng cường truyền thông, cập nhật kiến thức ATTP và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người làm dịch vụ thức ăn đường phố; hướng dẫn ghi chép sổ sách về việc mua bán thực phẩm nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc của thực phẩm; tổ chức cho cơ sở ký cam kết đảm bảo ATTP trong chế biến thực phẩm. Chúng tôi còn vận động xã hội hóa hỗ trợ cơ sở có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ việc xử lý rác thải và cung cấp nguồn nước sạch cho khu kinh doanh thức ăn đường phố điểm tại địa phương.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, nhấn mạnh thành phố đã chỉ đạo, yêu cầu các địa phương triển khai ngay biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về ATTP, nhất là tại khu, điểm du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, căn tin bệnh viện, dịch vụ nấu ăn lưu động, khu, cụm công nghiệp, phố ẩm thực, thức ăn đường phố... Các địa phương chịu trách nhiệm quản lý về ATTP trên địa bàn, có biện pháp phù hợp để nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý về điều kiện đảm bảo ATTP đối với cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá nguy cơ mất ATTP nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra. Từ cuối tháng 5, thành phố tiếp tục kiểm tra tại các cơ sở, trong đó chú trọng cơ sở sản xuất và bán bánh mì…
Giám sát mối nguy trong bánh mì tại Quy Nhơn
Thực tế các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt người mắc thời gian qua trên cả nước rơi vào cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, cho thấy có vi khuẩn Salmonella, E.Coli, S.aureus. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) tổ chức đợt giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm trong cơ sở kinh doanh bánh mì tại TP Quy Nhơn. Đợt 1, sẽ thực hiện giám sát 80 mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu nói trên trong nguyên liệu patê, thịt nguội, chả thẻ, đồ chua.
Ông Lê Văn An, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
MAI HOÀNG