Những điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản: Cần thiết, phù hợp thực tiễn
Ðó là đánh giá của Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc về Nghị định số 38/2024/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 20.5.2024, thay thế Nghị định số 42/2019/NÐ-CP ngày 16.5.2019 của Chính phủ.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc. Ảnh: N.T
* Nghị định (NĐ)số 38 hỗ trợ lực lượng chức năng như thế nào trong nỗ lực xử đúng, xử nghiêm, không để sót, lọt trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thưa ông?
- Thực tế triển khai nhiệm vụ phát sinh nhiều tình huống mà trước đó NĐ 42 không đề cập, khiến lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn, vô hình trung làm người dân có tư tưởng đối phó. Chẳng hạn, khi kiểm tra, phát hiện vi phạm, phạt chủ tàu thì chủ tàu bảo mình ở trên bờ, thuyền trưởng lái tàu đi đâu không thể biết được. NĐ 38 bổ sung việc xử phạt chủ tàu cá không đồng thời là thuyền trưởng giúp chấm dứt tình huống này.
NĐ 38 kéo dài thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực thủy sản lên 2 năm (trước đây 1 năm); quy định việc vi phạm nhiều lần là tình tiết tăng nặng; cho phép cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt VPHC được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm.
Trong NĐ 38, một số hành vi VPHC được chia nhỏ theo chiều dài tàu cá hay khối lượng thủy sản, giúp việc xử phạt khả thi, chính xác hơn. Ngoài ra, còn bổ sung nhiều hành vi vi phạm sát với thực tế hiện nay liên quan đến loài, giống thủy sản, thức ăn thủy sản, nuôi trồng, khai thác thủy sản, về quản lý tàu cá, thuyền viên tàu cá, cả về việc thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản… Đồng thời, quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt của các cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền xử phạt và bổ sung những biện pháp khắc phục hậu quả đối với đa số hành vi vi phạm... Tất cả những quy định mới đều cần thiết và phù hợp thực tiễn.
* Với riêng vấn đề chống khai thác IUU hiện nay, theo ông những quy định mới sẽ tạo ra chuyển biến gì?
- Tôi tin NĐ 38 sẽ hỗ trợ đắc lực, giúp hạn chế ở mức tối đa những sai phạm trong khai thác IUU, khi mọi hành vi vi phạm được rạch ròi, cụ thể hóa và hình thức xử phạt cũng có tính răn đe, nghiêm khắc hơn.
Công tác tuần tra, kiểm soát sẽ được tăng cường nhằm đảm bảo Nghị định 38 thật sự đi vào cuộc sống. Ảnh: N.T
* Vậy còn các giải pháp triển khai thực hiện…
- Tới đây, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền NĐ 38 bằng nhiều hình thức đến người dân, để mọi người hiểu rõ, nắm rõ mà thực thi đúng quy định pháp luật. Đồng thời, các lực lượng chức năng của ngành sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm hoặc cố tình vi phạm, xử lý nghiêm để răn đe, làm gương.
Liên quan đến nỗ lực triển khai NĐ 38 trong chống khai thác IUU, thời gian qua, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thành lập 3 tổ kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá; ban hành quy chế, kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp với một số tỉnh, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 trong công tác quản lý các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thủy sản, chống khai thác IUU, tổ chức chương trình Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, triển khai kế hoạch phối hợp tuyên truyền Luật Thủy sản và phổ biến công tác chống IUU, công tác phối hợp ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài... Đồng thời, Sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, lực lượng liên quan cùng với ngành nông nghiệp triển khai nhiều giải pháp phối hợp, kết hợp thiết thực hơn. Phát huy nhiều hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, cùng đồng lòng, chung sức thực hiện hiệu quả NĐ 38 trên địa bàn tỉnh.
* Xin cảm ơn ông!
Một số điểm mới của Nghị định 38
- Thời hiệu xử phạt vi phạm là 2 năm (Nghị định cũ là 1 năm).
- Tàu cá không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trên tàu về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định, hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trên tàu, hoặc không có thiết bị giám sát hành trình trên tàu có chiều dài 24 m trở lên sẽ bị xử phạt từ 300 - 500 triệu đồng, nếu tái phạm có thể bị phạt đến 700 triệu đồng.
- Xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu cá đồng thời và không đồng thời là thuyền trưởng.
- Tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên không ghi nhật ký khai thác hoặc ghi không chính xác theo quy định hoặc báo cáo sai quy định sẽ bị xử phạt từ 500 - 700 triệu đồng.
- Hành vi khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép khai thác thủy sản sẽ bị phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng…
NGỌC TÚ