Biển chỉ dẫn lên đường cao tốc phải được quy định rõ ràng
Sáng 21.5, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo Luật Đường bộ. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH Bình Định) có nhiều góp ý tâm huyết.
Góp ý vào khoản 2, Điều 10 quy định về Cấp kỹ thuật của đường bộ được quy định trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế của đường bộ, ĐB Cảnh đề nghị để đảm bảo ATGT nên đặt tên khác cho đường cao tốc phân kỳ, bổ sung thêm đường tốc độ cao để bao quát hết tất cả các loại đường và tổ chức giao thông phù hợp.
“Ở nước ngoài họ đặt là đường tốc độ cao. Đường này khác đường cao tốc là có thể chỉ có 2 làn xe 2 chiều, có thể không có dải phân cách hoặc đường lánh nạn. Việc tổ chức giao thông như quốc lộ nhưng có điểm khác là đường tốc độ cao không có dân cư hai bên”, ĐB Cảnh dẫn chứng.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng cần bổ sung quy định báo hiệu đường bộ được lắp đặt và sơn phải đảm bảo người tham gia giao thông dễ quan sát, nhận diện và thực hiện. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Thống nhất với các quy định về đặt tên, đổi tên, số hiệu đường bộ quy định tại Điều 11, ĐB Cảnh kiến nghị quy định cách đặt tên đường cao tốc để đảm bảo tính khoa học, giúp người dân dễ dàng đi lại. Trong đó, ĐB Cảnh đề xuất đường cao tốc quốc gia đi qua từ 3 tỉnh trở lên có điểm đầu và điểm cuối theo hướng Bắc - Nam sẽ đặt theo số lẻ. Đường cao tốc có điểm đầu và điểm cuối theo hướng Đông - Tây đặt tên theo số chẵn. Đường cao tốc ở địa phương nối vào đường cao tốc quốc gia sẽ thêm chữ cái cái A, B, C...
Đáng chú ý, ĐB Cảnh cho rằng quy định về biển chỉ dẫn lên đường cao tốc cũng phải rõ ràng. Biển chỉ dẫn để vào cao tốc hay chuyển sang cao tốc khác sẽ thể hiện số đường cao tốc, hướng đi của cao tốc, địa danh cấp huyện của hướng cao tốc, cách ghi này sẽ giúp lái xe không bị lúng túng khi chọn đường vào cao tốc.
“Nếu nhập vào cao tốc mà sai hướng sẽ mất hàng chục cây số mới ra được cao tốc và mất hàng chục cây số mới quay lại nơi xuất phát. Ví dụ từ QL 14B ở TP Đà Nẵng lên cao tốc 01 nếu đi Quảng Ngãi thì biển chỉ dẫn sẽ ghi là hướng Nam - Tam Kỳ, nếu đi Huế thì sẽ ghi là hướng Bắc - Hương Thủy”, ĐB Cảnh nói.
ĐB Cảnh cũng đề nghị sửa tiêu đề nội dung Điều 23 “Lắp đặt biển báo đường bộ” thành “Lắp đặt và sơn báo hiệu đường bộ”. Theo ĐB Cảnh, tiêu đề như dự thảo chưa bao hàm hết nội dung, thực tế có nhiều biển báo bị che khuất cần phải có sơn hỗ trợ lên mặt đường.
ĐB Cảnh cũng nêu thực trạng nhiều đèn tín hiệu lắp ngay trên đỉnh xe ô tô nên lái xe khi đang dừng đèn đỏ sẽ không nhìn thấy đèn chuyển tín hiệu xanh để đi, gây cản trở giao thông. Nhiều nơi lắp đèn mũi tên xanh rẽ trái nhưng bật đồng thời với đèn xanh ở phía đối diện gây xung đột giữa xe được rẽ trái với xe được đi thẳng ở hướng đối diện. Nhiều giao lộ có biển ghi dòng chữ cho phép xe máy rẽ trái khi đèn đỏ (tại ngã 3 thì cho chạy thẳng khi đèn đỏ), có nơi lại có biển ghi chữ không cho phép khi đèn đỏ.
Từ thực trạng đó, ĐB Cảnh đề nghị đã là luật thì phải thống nhất trên toàn quốc, nên cấm rẽ phải khi đèn đỏ trừ trường hợp có đèn tín hiệu phụ cho phép rẽ. Đồng thời, cần bổ sung quy định báo hiệu đường bộ được lắp đặt và sơn phải đảm bảo người tham gia giao thông dễ quan sát, nhận diện và thực hiện; các báo hiệu đường bộ phải thống nhất, không xung đột (trừ trường hợp sử dụng tạm cho sửa chữa hạ tầng giao thông, tổ chức sự kiện được Nhà nước cho phép).
Đối với nội dung Công trình ATGT đường bộ (Điều 24) có quy định “Gương cầu lồi được lắp đặt tại lưng đường cong bán kính nhỏ, các vị trí giao cắt có tầm nhìn hạn chế hoặc bị che khuất, giúp người điều khiển phương tiện có thể quan sát được từ xa phương tiện chạy ngược chiều”. ĐB Cảnh đề nghị thay cụm từ “chạy ngược chiều” thành chạy “từ các hướng” sẽ bao gồm hướng ngược chiều và cả hưởng từ bên trái, bên phải tại các vị trí giao cắt.
HỒNG PHÚC