Thỏa sức chia sẻ, xây dựng dự án sáng tạo
Thời gian qua, sinh viên Trường ÐH Quy Nhơn đã có những trải nghiệm đáng nhớ khi tham gia các khóa tập huấn bổ ích về kỹ năng mềm và khởi nghiệp do nhà trường phối hợp với các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước triển khai. Tại đây, sinh viên được thỏa sức chia sẻ ý tưởng, xây dựng các dự án sáng tạo, mới mẻ.
Những dự án sáng tạo, tiềm năng
Ngày 14.5 vừa qua, Trường ĐH Quy Nhơn phối hợp với Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam, Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo (Trường ĐH Fulbright Việt Nam) tổ chức Hội thảo tập huấn “Đổi mới sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa”.
Các nhóm sinh viên trình bày dự án trong chương trình “Đổi mới sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa”. Ảnh: Trường ĐH Quy Nhơn
Bên cạnh tìm hiểu các vấn đề về môi trường, sinh viên còn được hướng dẫn thực hành áp dụng công cụ đổi mới sáng tạo vào giải quyết ô nhiễm nhựa, xây dựng các dự án ứng dụng công nghệ số, đảm bảo tính hiện đại, mới mẻ để tham gia cuộc thi “Thử thách sáng tạo để ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa”.
Nhận thấy vấn đề giải quyết rác thải ở vùng biển đã phổ biến, trong khi vùng đồi núi cũng là điểm du lịch nhiều người tìm đến và là tài nguyên quan trọng được ví như “vàng” nhưng ít được chú ý hơn, sinh viên Lê Thị Thanh Hoa (lớp Ngôn ngữ Anh K44I, khoa Ngoại ngữ) cùng 3 sinh viên khác đã đề xuất dự án “Mang rác xuống núi”. Đây là 1 trong 8 dự án lọt vào vòng chung kết (diễn ra vào tháng 7 tới).
“Dự án có hai phần chính, gồm: Chiến dịch “Mang rác đi, mang rác về” được tổ chức 2 - 3 tuần/lần, kêu gọi tình nguyện viên là sinh viên của trường và hộ dân cùng mang rác xuống núi để xử lý đúng cách; lập kênh truyền thông “GreenMountain - GreenGeneration” để quảng bá cho chiến dịch và đăng tải hành trình leo núi, hướng dẫn địa điểm gửi xe, điểm dừng chân và check-in hấp dẫn trên núi…”, Thanh Hoa thông tin thêm.
Không chỉ ở lĩnh vực môi trường, khởi nghiệp thời công nghệ 4.0 cũng được nhiều sinh viên quan tâm. Do đó, Trường ĐH Quy Nhơn đã phối hợp với Trường ĐH Nữ Sookmyung (Hàn Quốc), Trường ĐH Souphanouvong (Lào), ĐH Quốc gia Lào, Trường ĐH Gadjah Mada (Indonesia) tổ chức Khóa tập huấn kỹ năng khởi nghiệp kỹ thuật số dành cho sinh viên nữ trong khuôn khổ chương trình đào tạo UNESCO-UNITWIN 2024 (theo hình thức trực tuyến, từ ngày 30.4 - 14.5).
Hai mươi nữ sinh viên của trường đã được học những kỹ năng khởi nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, các phương pháp, mô hình kinh doanh hiện nay và thực hành xây dựng dự án khởi nghiệp với đề tài “Thiết kế ứng dụng hỗ trợ khách hàng”.
Xuất sắc đoạt giải nhất, dự án “Ứng dụng thử đồ ảo” do sinh viên Lê Kim Chi (lớp Ngôn ngữ Anh K44G, khoa Ngoại ngữ) và 3 người bạn cùng xây dựng sẽ được tham dự chương trình nâng cao Hackathon tại TP Seoul (Hàn Quốc) vào cuối năm nay.
Kim Chi cho biết: “Ứng dụng này sẽ liên kết với các nhãn hàng thời trang để cho ra các sản phẩm ảo, mô phỏng hàng thật, đính kèm link để khách mua sắm; đồng thời cho phép khách hàng chọn cơ thể ảo phù hợp với họ (màu da, tóc, chiều cao, số đo...) và sản phẩm ảo (quần áo, phụ kiện, giày dép…) với độ chính xác trên 85%”.
Nhiều trải nghiệm mới mẻ
Qua các khóa tập huấn, mỗi sinh viên đều có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình thực hành, xây dựng đề tài.
Để hoàn thiện dự án “Mang rác xuống núi”, thuyết phục được đội ngũ cố vấn, Thanh Hoa đã cùng các thành viên đi thực địa từ 4 rưỡi sáng các ngày giữa tuần và cuối tuần để quan sát sự khác nhau về cả số lượng người leo núi cũng như rác thải mà họ mang theo mỗi ngày.
“Ngày trước, chúng tôi leo núi vì sở thích chứ chưa từng đi để quan sát, phân tích để thu thập dữ liệu. Chúng tôi còn dành thêm thời gian để thảo luận, tranh biện để dự án đạt kết quả tốt nhất. Hơn nữa, trong những ngày thực địa, cả nhóm không quên nhặt rác và rủ bạn bè cùng tham gia”, Thanh Hoa bật mí.
Số khác lại ấn tượng vì được học hỏi từ chuyên gia trong ngành. Sinh viên Nguyễn Lê Hoàng Hạnh (lớp Sư phạm Anh K45C, khoa Sư phạm), thành viên nhóm thực hiện dự án “Ứng dụng thử đồ ảo” cùng cô bạn Kim Chi bày tỏ sự phấn khích bởi được kết nối với giảng viên ở Hàn Quốc.
Theo đó, điều khiến Hạnh say sưa với các bài giảng là bởi được lắng nghe những câu chuyện khởi nghiệp thời đại công nghệ số dưới góc nhìn chuyên gia, gợi mở cơ hội xây dựng và phát triển đề tài từ những gì sẵn có và sẵn sàng giải đáp những câu hỏi của sinh viên.
“Với đặc thù chỉ dành cho sinh viên nữ, khóa tập huấn luôn duy trì sự cầu thị, cởi mở, tôn trọng quan điểm và năng lực từng bạn. Bên cạnh đó, chúng tôi có thể nâng cao cơ hội nghề nghiệp, tự tin phát triển khả năng sáng tạo của bản thân, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong ngành công nghệ”, Hạnh chia sẻ.
DƯƠNG LINH