Quy định về các đèn tín hiệu giao thông cần phù hợp với thông lệ quốc tế
(BĐ) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, chiều 22.5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tranh luận với đại biểu (ĐB) thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình xung quanh đề xuất dành riêng 1 làn bên trái chỉ dành cho các xe muốn vượt qua xe khác, ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, với điều kiện hạ tầng giao thông ở Việt Nam, việc dành riêng một làn đường để vượt rất khó khăn và sẽ gây ùn tắc ở các làn khác.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng quy định về các đèn tín hiệu cần phù hợp với thông lệ quốc tế. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Vì vậy, ĐB Cảnh đề nghị bổ sung một số nội dung vào Điều 14: “Xe đang lưu thông ở làn sát trái, phải chuyển sang làn bên phải để nhường cho xe phía sau có tín hiệu xin vượt. Trường hợp làn bên phải đang có xe chạy song song thì xe bên phải không được tăng tốc độ, xe làn bên trái sẽ tăng tốc độ vượt lên và chuyển sang làn bên phải, để trống làn cho xe xin vượt”. Quy định như vậy sẽ giải quyết được tình trạng xe chạy chậm mà cứ chạy làn bên trái.
ĐB Cảnh cũng đồng ý với ĐB thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định quy định về đèn vàng. Hiện nay, quy định đèn vàng dừng lại thì không khác gì so với đèn đỏ, không phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như Công ước Viên 1968 về đường bộ. ĐB Cảnh nói: “Công ước Viên 1968 quy định tín hiệu đèn vàng thì phải đi chậm và dừng trước vạch dừng. Trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Tôi đề nghị quy định như Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, bổ sung năm 2018 là phù hợp”.
ĐB Cảnh cũng góp ý vào điểm a, khoản 4, Điều 12 với quy định ngắn gọn “Tín hiệu đèn màu xanh là được đi”. Theo ĐB Cảnh, quy định này không giải quyết được các ùn, tắc giao thông tại các ngã tư đông xe. Bởi, khi đèn xanh, các phương tiện được đi vào bất chấp trong giao lộ đang có nhiều phương tiện không di chuyển được do đang bị ùn phía trước; từ đó dẫn đến giao lộ đang ùn thì chuyển sang bị tắc nghẽn, hậu quả là phương tiện từ các hướng đều không di chuyển được.
Từ thực tiễn và quy định chung của Công ước viên 1986, ĐB Cảnh kiến nghị quy định về tín hiệu đèn màu xanh như sau: “Tín hiệu đèn màu xanh là được đi, trừ trường hợp phía trước có ùn, tắc thì phương tiện không được vào giao lộ. Nếu vào giao lộ mà không thể thoát ra, làm cản trở phương tiện được phép đi từ hướng khác sẽ bị xử lý vi phạm pháp luật về giao thông”.
N.HÂN