Giải quyết vụ việc phải đúng pháp luật, thấu tình và trách nhiệm
Sáng 22.5, kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa bàn các huyện Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước và TX An Nhơn, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu các đơn vị giải quyết vụ việc không chỉ đúng pháp luật mà còn phải thấu tình và có trách nhiệm.
Kiểm tra tại huyện Phù Mỹ, đoàn công tác thực địa trường hợp duy nhất còn nằm trong hành lang an toàn Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn đi qua tỉnh Bình Định (gọi tắt Dự án) đã nhận tiền đền bù và phải hoàn thành di dời trước ngày 30.5.2024. Còn tại huyện Tuy Phước, công tác giải phóng mặt bằng cũng đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn 1 tổ chức và 1 cá nhân đã ký cam kết di dời trong tháng 5 và tháng 6.2024. Đến thăm một số hộ dân ở các khu tái định cư của Dự án tại huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đã được người dân chia sẻ niềm vui khi có nơi ở mới khang trang, hiện đại hơn trước và yên tâm an cư lạc nghiệp.
Gỡ nút thắt 7 hộ dân bị ảnh hưởng ở phường Nhơn Hòa
Tại phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn), 7 hộ dân thuộc diện phải di dời đã bày tỏ bức xúc vì không thỏa mãn với cách giải quyết của chính quyền địa phương. Ông Lê Quang Thinh, Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất TX An Nhơn, báo cáo: Toàn bộ xóm Bao bì (tên do người dân tự đặt - phóng viên) có 19 nhà dân không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải di dời toàn bộ. Chúng tôi căn cứ theo Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 14.2.2019 của UBND tỉnh giải quyết cho 10 hộ xây nhà trước ngày 1.7.2004 được đền bù 80% giá trị nhà, công trình; 2 hộ xây dựng sau ngày 1.7.2004 đến trước ngày 1.7.2014 được đền bù 50% giá trị nhà, công trình. Riêng 7 hộ xây dựng nhà sau ngày 1.7.2014 thì không được đền bù; 7 hộ này không đồng tình nên không chịu giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (bìa phải) ghi nhận ý kiến của một hộ dân ở xóm Bao bì (phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) liên quan công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: HẢI YẾN
Ông Nguyễn Minh Muộn, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa, cho rằng: Chính quyền địa phương đã làm đúng pháp luật và giải thích, đối thoại nhiều lần nhưng các hộ dân không chấp thuận và gửi đơn cho Thanh tra tỉnh chờ giải quyết.
Thuộc 1 trong số 7 hộ dân ở xóm Bao bì thuộc diện di dời, ông Phạm Văn Chất bức xúc: Cha tôi ở đây đã 32 năm, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Cách đây 5 năm, anh trai tôi đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản gom góp tiền về xây dựng căn nhà hơn 1 tỷ đồng. Chúng tôi biết xây nhà không được phép của chính quyền là sai, nhưng cái nếp ở quê bao lâu nay xây nhà chỉ cần báo khu vực trưởng. Nào ngờ có Dự án đi qua, chúng tôi bị giải tỏa 235,1 m2; diện tích còn lại (trong hành lang cao tốc) 189,6 m2 cũng bị thu hồi. UBND TX An Nhơn áp dụng cho gia đình mua lại 1 lô đất ở khu tái định cư. Chúng tôi xây nhà này vẫn còn nợ 500 triệu đồng, giờ không còn khả năng mua đất chứ chưa nói đến cất lại nhà. Gia đình thật sự rất chua xót khi thấy cơ ngơi cả đời tích cóp bị phá dỡ, chỉ mong lãnh đạo tỉnh, chính quyền xem xét có tình, có lý.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (bìa trái) lắng nghe gia đình ông Phạm Văn Chất (ở phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) trình bày hoàn cảnh vụ việc của gia đình, khi bị ảnh hưởng bởi Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: HẢI YẾN
Giải quyết thấu tình đạt lý, có trách nhiệm
Tìm hiểu rõ nguồn gốc sự việc, nhìn ngôi nhà khang trang của gia đình ông Phạm Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chia sẻ với lãnh đạo UBND tỉnh, chính quyền địa phương: Để xảy ra sự việc này, đầu tiên là do chính quyền địa phương không quản lý chặt chẽ, ngăn chặn, xử phạt khi người dân xây dựng nhà trái phép. Cán bộ ở phường buông lỏng trách nhiệm nên lãnh đạo tỉnh, địa phương dù làm đúng pháp luật, quy định nhưng không thấu tình, gây uổng phí tài sản của người dân vốn là hộ nghèo vươn lên và 6 hộ khác cũng chẳng khá giả gì. Dù có cho mua đất ở khu tái định cư họ khó có khả năng xây nhà để ở.
Trong 7 hộ này, TX An Nhơn đã bố trí giao đất tái định cư cho 6 hộ, còn 1 hộ không thuộc diện giao đất do đã có nơi ở khác ổn định. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị hứa sẽ tiếp tục xác minh làm rõ sự việc một cách thấu tình, đạt lý để các hộ dân ổn định cuộc sống sau khi giải tỏa.
Sau khi nghe phân tích, 7 hộ dân xóm Bao bì chấp thuận hướng giải quyết của lãnh đạo tỉnh. Ông Phạm Văn Chất nhìn nhận: Gia đình tôi đã sai và chấp thuận tháo dỡ phần diện tích vướng Dự án, riêng diện tích còn lại nằm trong hành lang cao tốc mong lãnh đạo tỉnh xem xét cho giữ lại, vì không còn khả năng xây dựng nhà ở tại khu tái định cư.
Ông Nguyễn Lê Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) thống nhất phương án chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và nói rõ: Đơn vị sẽ cố gắng xin ý kiến của Bộ GTVT về việc hộ dân Phạm Văn Chất được ở phần còn lại của căn nhà. 6 hộ còn lại, chính quyền địa phương tìm cách hỗ trợ cho vay vốn từ Ngân hàng CSXH hoặc nguồn kinh phí khác để họ có điều kiện xây nhà mới tại khu tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan chức năng, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chỉ đạo: Các sở, ngành, địa phương rà soát, xác minh, làm rõ lần nữa theo đúng kiến nghị của các hộ dân. Nói về luật thì anh em làm đúng, nhưng cần tìm hướng giải quyết, vận dụng tất cả quy định để người dân có nơi an cư, dựng lại nhà ở. Tỉnh hứa sẽ tiếp tục xác minh làm rõ, giải quyết sự việc một cách thấu tình, đạt lý để người dân ổn định, an cư.
“Các sở, ban, ngành, địa phương làm đúng luật nhưng có nơi, có chỗ còn cứng nhắc thì nên tìm hướng giải quyết có lợi cho dân. Khi đã giải quyết hết tình, hết lý, hết trách nhiệm mà người dân không chấp thuận thì cưỡng chế”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
HẢI YẾN