CÁC ĐBQH TỈNH BÌNH ĐỊNH THẢO LUẬN TẠI TỔ:
Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, bất cập!
Ngày 23.5, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đã tham gia thảo luận ở tổ về các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Nhiều đổi mới, sáng tạo trong thu ngân sách
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định), trong bối cảnh khó khăn, những năm qua, Bộ Tài chính liên tục đổi mới, có nhiều sáng kiến, sáng tạo để thu đúng, thu đủ, đúng pháp luật vào ngân sách. Nhờ đó, có nguồn lực để khoan sức dân, hỗ trợ người dân, DN.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, 2022 là năm đầu tiên thực hiện hóa đơn điện tử (từ 1.7.2022), góp phần tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN). Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp, tăng thu NSNN từ những nguồn thu mà trước đây chúng ta chưa thu được.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2024 cơ quan thuế sẽ tiếp tục tập trung thu thuế qua sàn thương mại điện tử trong nước, mua bán online. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Năm 2022 cũng là năm Bộ Tài chính triển khai việc thu thuế chuyển nhượng bất động sản, theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, nhờ đó đã góp phần tăng thu ngân sách. Thu cả năm 2022 từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng khoảng 97% so năm 2021. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã triển khai thu thuế qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Sang năm 2023, thu nội địa giảm 27.000 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2022 do nhiều nguyên nhân, trong đó có thu từ dầu thô giảm (ước giảm 16.000 tỷ đồng) nên giảm thu NSNN.
Cùng với đó, do bất ổn địa chính trị ở nhiều nước trên thế giới, xung đột Nga - Ukraine, các quốc gia thắt chặt chi tiêu ảnh hưởng tới kim ngạch xuất nhập khẩu, ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước giảm 66.800 tỷ đồng.
“Đó là những nguyên nhân khiến tốc độ thu ngân sách năm 2023 không được như năm 2022”, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2024 là năm cơ quan thuế sẽ tiếp tục tập trung thu thuế qua sàn thương mại điện tử trong nước, mua bán online. Hiện đã kết nối cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế với cơ sở dữ liệu về dân cư của Bộ CA. Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát thị phần thanh toán; đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó thu được thuế trong lĩnh vực này.
Theo người đứng đầu ngành Tài chính, vừa qua đã thu được 50.000 tỷ đồng từ các khoản này. “Đây là nỗ lực lớn của Bộ Tài chính, phải có sáng kiến, sáng tạo, đi đầu về công nghệ mới làm được”, Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã xây dựng phần mềm kiểm soát hóa đơn điện tử, chống gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, mới đây, Bộ Tài chính đã triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với các cửa hàng xăng dầu trong toàn quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 100% các cửa hàng trên toàn quốc thực hiện, dữ liệu được kết nối với dữ liệu của cơ quan Thuế. Bộ Tài chính liên tục sáng tạo, áp dụng đúng pháp luật trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn để thu đúng, thu đủ vào NSNN.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, các chính sách tài khóa đã khoan sức dân, hỗ trợ DN. Năm nay, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các giải pháp về thuế, phí, lệ phí hỗ trợ DN, người dân. Trong 3 năm qua, mỗi năm giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trung bình khoảng 200 nghìn tỷ đồng.
Dự kiến, 6 tháng cuối năm 2024 tiếp tục giảm thuế GTGT 2% cho nhiều đối tượng như đang thực hiện. Đây là những giải pháp hỗ trợ DN, người dân, đồng thời tăng cường tập trung thu NSNN.
“Chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng, dùng tăng thu NSNN để đầu tư cho hệ thống đường cao tốc, các công trình trọng điểm, có tác động lan tỏa vùng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH”, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định thêm.
Sử dụng chung cư bỏ hoang để tránh lãng phí
Tham gia thảo luận, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển KT-XH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, ĐB Hạnh cũng cho rằng việc triển khai thực hiện một số luật như: Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai vừa mới sửa đổi cũng còn nhiều bất cập.
“Nếu như chúng ta không nhanh chóng nhận diện đúng, đầy đủ và quyết tâm cao trong việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các luật thì có nguy cơ sẽ kìm hãm sự tăng trưởng của đất nước”, ĐB Hạnh lo ngại.
ĐB Lý Tiết Hạnh đề xuất thay vì xây dựng mới các nhà ở xã hội thì nên sử dụng những chung cư đang bỏ hoang hoặc chung cư kém phát huy tác dụng. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Liên quan đến vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, ĐB Lý Tiết Hạnh quan tâm đến lĩnh vực sử dụng các công trình đầu tư công và tài sản công. ĐB nêu đề xuất thay vì xây dựng mới các nhà ở xã hội thì nên sử dụng những chung cư đang bỏ hoang hoặc chung cư kém phát huy tác dụng sẽ đỡ đi nguồn lực lớn của xã hội, chống lãng phí.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho biết hiện nay chung cư và căn hộ chung cư trong toàn quốc bỏ hoang rất nhiều, gây lãng phí. Theo ĐB Hiếu, theo các phương tiện thông tin đại chúng, ở Hà Nội có khoảng 14.200 căn hộ chung cư và khoảng 4.000 chung cư bị bỏ hoang; tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 14.000 căn hộ tái định cư bỏ trống.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị cần phải có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt để khai thác hết căn hộ chung cư, chung cư. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Theo ĐB Hiếu, hiện nay, giá cho thuê chung cư đang rất cao do nhu cầu chỗ ở của người dân rất lớn. Do vậy, để tránh lãng phí, tránh tình trạng chung cư, căn hộ chung cư không sử dụng lâu ngày bị xuống cấp, cần phải có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt để khai thác hết căn hộ chung cư, chung cư.
ĐB Hiếu cho rằng người dân không về sinh sống tại các căn hộ chung cư do mức đền bù chưa thỏa đáng; mặt khác gần các căn hộ chung cư chưa có các điều kiện đầy đủ như trường học, bệnh viện…
“Các địa phương nên tìm những giải pháp đồng bộ để những khu chung cư, căn hộ chung cư sớm được đưa vào sử dụng, tránh lãng phí lớn”, ĐB Hiếu kiến nghị.
Cần có giải pháp tạo chuyển biến tích cực trong thực thi công vụ
Liên quan đến tinh thần trách nhiệm và chất lượng công việc của cán bộ, công chức, ĐB Đồng Ngọc Ba nêu thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén; còn có tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Trong năm 2023, Chính phủ đã xử lý kỷ luật 17.808 cán bộ, công chức vi phạm.
“Tôi rất muốn Chính phủ có báo cáo chi tiết tại Quốc hội về vấn đề này để có đánh giá và phân tích sâu hơn. Từ đó, đề xuất các giải pháp, tạo chuyển biến tích cực hơn”, ĐB Ba nói.
ĐB Đồng Ngọc Ba nêu thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Theo ĐB Ba, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng hệ thống vị trí việc làm khoa học, đúng người, đúng việc, rõ trách nhiệm vụ, rõ thủ tục, quy trình...
Tuy nhiên, qua tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, còn nhiều bất cập khiến hệ thống vị trí việc làm hiện nay chưa thực sự tạo động lực đảm bảo chất lượng hoạt động bộ máy của bộ máy nhà nước về dài hạn.
“Công tác tinh giản biên chế của chúng ta chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Trên thực tiễn, có nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là ở cơ sở có đề án vị trí việc làm rồi nhưng tỉ lệ công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý vẫn rất cao. Có cơ quan, đơn vị xây dựng dự thảo đề án vị trí việc làm chủ yếu căn cứ vào biên chế hiện có để hợp thức hóa các công việc đang thực hiện và bảo toàn lượng biên chế; thậm chí có những trường hợp sau khi làm đề án lại tăng biên chế. Vì vậy, cần đánh giá bài bản, có hệ thống đối với các đơn vị đã ban hành và đang thực hiện đề án vị trí việc làm”, ĐB Ba nói.
Để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích
Liên quan đến vấn đề người cao tuổi, ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng dân số Việt Nam có tốc độ già hóa nhanh. Người cao tuổi có 3 mục tiêu chính là sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Để người cao tuổi sống vui, ĐB Cảnh đề nghị thời gian tới cần tổ chức đa dạng các hoạt động hơn, nhất là các hoạt động giao lưu, gặp gỡ.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng cần định hướng, chuyển đổi nghề phù hợp để người già có thể làm những việc đơn giản. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Về sống khỏe, ĐB Cảnh đề nghị quan tâm khoảng thời gian chuyển tiếp giữa tuổi sống khỏe của người già (69 tuổi) đến tuổi thọ trung bình (76 tuổi) theo mục tiêu đến năm 2035. “Chúng ta đang có chương trình và đề ra mục tiêu đến năm 2035, 100% các địa phương có trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa. Mục tiêu chúng ta đưa ra nhưng không có chính sách đi kèm, e rằng khó thực hiện được. Vì vậy, cần có chính sách để hoàn thiện các cơ sở như trung tâm điều dưỡng, chăm sóc người có công, trung tâm chăm sóc cho người già neo đơn, trung tâm chăm sóc người cao tuổi (có sự hỗ trợ của nhà nước), viện dưỡng lão tư nhân”, ĐB Cảnh nói.
Nguồn: BTV
Đối với mục tiêu người cao tuổi sống có ích, ĐB Cảnh cho rằng bên cạnh việc sống khỏe phụ giúp con cái, người cao tuổi cũng có thể tham gia vào thị trường lao động. “Cần định hướng, chuyển đổi nghề phù hợp để người già có thể làm những việc đơn giản, người trẻ hướng vào các nghề chất lượng cao”, ĐB Cảnh góp ý.
N.HÂN - H.PHÚC