Di dời tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận về khu vực đầm Ðề Gi:
Tạo sự đồng thuận của chủ tàu thuyền
Sau hơn một năm thăm dò dư luận, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và chủ tàu thuyền, Ðề án Di dời tàu thuyền neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận về neo đậu tại khu vực đầm Ðề Gi chính thức ban hành đã nhận được sự đồng thuận của đa số chủ tàu thuyền.
Việc di dời được tỉnh thực hiện theo Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 14.4.2015 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án Di dời tàu thuyền neo đậu tại cảng Quy Nhơn và các khu vực lân cận về neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi (gọi tắt là Đề án) đặt mục tiêu, đến năm 2025 di dời toàn bộ tàu cá neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn, âu thuyền Phan Chu Trinh và khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Hà Thanh mở rộng ra đến công viên Quốc Thắng dọc đường Đống Đa và khu vực xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) về neo đậu khu vực đầm Đề Gi (huyện Phù Cát và Phù Mỹ).
Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực
Sáng 22.5, ông Phan Văn Cường (65 tuổi, ở khu phố 6, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) cùng một nhóm chủ tàu cá trong phường trao đổi về việc di dời tàu cá từ Cảng cá Quy Nhơn ra đầm Đề Gi. Các chủ tàu cá tỏ ra trầm ngâm khi nhớ lại phản ứng khá mạnh mẽ cách đây hơn 1 năm, lần đầu tiên được lấy ý kiến về việc muốn hay không đưa tàu về neo đậu ở đầm Đề Gi. Rồi cảm xúc dần dịu lại ở lần thứ hai, cũng lấy ý kiến nhưng có thêm phần điền vào phiếu kê khai thông tin, xác định tổng số nhân khẩu trong gia đình, tổng số thuyền viên… Đến giờ này, đa số chủ tàu đã có quyết định cho riêng mình trước thực tế, nhiều năm qua, nguồn lợi thủy sản suy giảm, chi phí đầu vào tăng cao, nguồn bạn đi biển ngày càng khan hiếm. Đặc biệt, từ đầu năm 2024, nhiều tàu cá nằm bờ, một vài lần nhớ biển ra khơi nhưng chỉ bị lỗ tổn.
Toàn bộ tàu cá tại khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Hà Thanh mở rộng ra đến công viên Quốc Thắng dọc đường Đống Đa sẽ di dời đến khu vực đầm Đề Gi từ năm 2025. Ảnh: N.T
“Tôi đã quyết định xả bản tàu, bởi sức khỏe không còn dẻo dai bao lâu nữa, tàu mình thì nhỏ. Khoảng 40% chủ tàu cá khác trong phường cũng quyết định xả bản theo tôi. Cách đây vài hôm, nghe phong thanh một số chủ tàu khác cũng muốn xả bản, khi biết tỉnh không chỉ hỗ trợ xả bản mà còn có chính sách hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ việc chuyển đổi nghề cho ngư dân xả bản tàu”, ông Cường cho hay.
Lãnh đạo một số phường có nhiều tàu thuyền của TP Quy Nhơn như Đống Đa, Hải Cảng, Trần Phú cho rằng nhiều chủ tàu cá cảm thấy yên tâm với cách làm thận trọng, suy xét trước sau và đưa ra khá nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực trong Đề án. Theo đó, những tàu thuyền di dời còn được hưởng chính sách hỗ trợ mua đất ở theo giá nhà nước, hỗ trợ tiền trông giữ tàu cá, hỗ trợ ổn định cuộc sống. Cả cơ sở sản xuất kinh doanh và cá nhân làm dịch vụ hậu cần nghề cá ở trong cảng cá Quy Nhơn cũng được xem xét, nhận hỗ trợ…
Chuẩn bị tốt hạ tầng trước khi di dời
Theo thống kê lúc thực hiện Đề án, dự kiến toàn TP Quy Nhơn có khoảng 602 tàu thực hiện di dời, trong đó số lượng đăng ký xả bản chiếm khoảng 60%. Quá trình thực hiện Đề án di dời, tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT quan tâm tạo điều kiện làm đầy đủ giấy tờ cho những tàu cá “3 không” (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép).
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, đối với Cảng cá Đề Gi, Sở đã rà soát các phân khu chức năng, đề xuất hình thức đầu tư phù hợp đối với từng phân khu, trong đó hình thức đầu tư tư nhân là chủ yếu. Trước mắt, đầu tư hạng mục cầu đứng dài khoảng 300 m từ nguồn ngân sách tỉnh, mở rộng diện tích Cảng cá Đề Gi lên khoảng 4 ha, xây dựng nhà phân loại cá… Để đáp ứng nhu cầu tàu cá ở Quy Nhơn neo đậu khi thực hiện di dời, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu neo đậu tránh trú bão đầm Đề Gi.
Liên quan nhu cầu tái định cư của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi di dời, tỉnh xây dựng Khu tái định cư và dân cư Vĩnh Lợi, huyện Phù Mỹ. Trước mắt, giao Sở NN&PTNT phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Ban Quản lý dự án NN&PTNT khẩn trương khảo sát, bố trí nguồn lực để ưu tiên đầu tư trước một khu tái định cư có quy mô, vị trí phù hợp trong khu tái định cư.
Dự kiến, việc di dời sẽ diễn ra theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 di dời toàn bộ tàu cá neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn, âu thuyền Phan Chu Trinh và khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Hà Thanh mở rộng ra đến công viên Quốc Thắng dọc đường Đống Đa từ ngày 1.1.2025. Giai đoạn 2 diễn ra sau khi đã thực hiện di dời hết tàu cá của giai đoạn 1, di dời toàn bộ tàu cá tại khu vực xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn).
Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Đức Toàn cho biết: Để tạo sự đồng thuận trong dân khi thực hiện Đề án, thời gian tới, UBND TP Quy Nhơn tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan cùng với UBND các phường, xã tổ chức gặp gỡ, đối thoại, tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích về mục đích, ý nghĩa và những chính sách hỗ trợ trong Đề án. Qua đó tháo gỡ hết vướng mắc trong lòng, để từng chủ tàu cá và hộ có liên quan hiểu rõ và chia sẻ với chính quyền, cùng thực hiện Đề án hiệu quả.
NGỌC TÚ