Giảm thời gian thông quan và chi phí cho doanh nghiệp
Cùng với việc đơn giản hóa quy trình thủ tục hải quan, giảm giấy tờ, chi phí… Hải quan Bình Ðịnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời minh bạch hóa thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.
Rút ngắn thời gian thông quan
Ngành hải quan đã triển khai hiệu quả việc phân luồng tờ khai hàng hóa tự động thông qua ứng dụng hệ thống thông quan hàng hóa (VNACCS) và hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tình báo (VCIS). Hệ thống này tự động phân luồng đối với các tờ khai hải quan mà DN truyền tới cơ quan hải quan, dựa trên nhiều yếu tố như: Nguồn dữ liệu về nhân thân DN, chính sách hàng hóa xuất nhập khẩu từng thời kỳ, nguồn hàng xuất nhập khẩu… Tờ khai được phân thành 3 luồng: Xanh, vàng, đỏ.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Quy Nhơn theo dõi tờ khai phân luồng hàng hóa xuất nhập khẩu của DN. Ảnh: M.H
Sáng 23.5, Xí nghiệp 380 (Công ty CP Phú Tài) xuất lô hàng đá granite đi thị trường Nhật Bản. Đáp ứng đầy đủ các hồ sơ cho sản phẩm và thủ tục khai báo thông quan đầy đủ, lô hàng được Đội Thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu (Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Quy Nhơn) thực hiện kiểm hóa sản phẩm. Ông Võ Kỳ Anh, nhân viên xuất nhập khẩu của Xí nghiệp 380, cho hay: Theo quy định, đá granite xuất khẩu thuộc danh mục sản phẩm phân luồng đỏ nên phải kiểm hóa. Từ hỗ trợ của cơ quan hải quan, việc thực hiện tờ khai, thủ tục thông quan hàng hóa thuận lợi.
Theo bà Lưu Thị Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Quy Nhơn, bình thường mỗi ngày có khoảng 128 tờ khai sản phẩm xuất khẩu của các DN đáp ứng điều kiện được phân luồng xanh, 59 tờ khai luồng vàng và khoảng 7 tờ khai luồng đỏ tại Chi cục. Mùa cao điểm xuất khẩu, số tờ khai được xử lý tăng 1,5 lần.
Luồng xanh là luồng không có bất kỳ can thiệp nào của cán bộ hải quan, toàn bộ việc phân luồng, xác định nghĩa vụ nộp thuế, quyết định thông quan đều thực hiện tự động hoàn toàn trên hệ thống công nghệ thông tin. Với luồng vàng, hàng hóa trải qua kiểm tra chi tiết hồ sơ, nhưng không kiểm tra thực tế hàng hóa; trường hợp không có phát hiện vi phạm thì quá trình thông quan tiếp tục mà không cần kiểm tra thực tế hàng hóa. Tờ khai luồng đỏ là khi cơ quan hải quan kiểm tra đồng thời chi tiết hồ sơ và thực tế hàng hóa với mức độ kiểm tra lô hàng khác nhau; việc hệ thống phân luồng đỏ chủ yếu dựa vào đánh giá DN hoặc hàng hóa có rủi ro vi phạm cao nhằm đảm bảo kiểm tra sự tuân thủ quy định hải quan và phòng tránh vi phạm.
“Với tờ khai luồng xanh, thủ tục thông quan hàng hóa diễn ra rất nhanh, chưa đến 1 phút, giảm rất nhiều thời gian, chi phí, DN không phải đi lại. Để giảm tỷ lệ luồng vàng và luồng đỏ sâu hơn nữa, công tác định danh xuất nhập khẩu, cũng như đối tượng hàng hóa xuất nhập khẩu là vấn đề cơ quan hải quan đang tìm mọi biện pháp để triển khai”, bà Thu nói thêm.
Cục Hải quan Bình Định đánh giá, tỷ lệ phân luồng tờ khai của DN trên địa bàn tỉnh năm 2023 đã tăng tờ khai luồng xanh ở mức tương đối cao 62,4%, tờ khai luồng vàng 32,9% và giảm tờ khai luồng đỏ còn 4,7%. 5 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tờ khai luồng xanh tăng lên 64%, tờ khai luồng vàng 33%, tờ khai luồng đỏ còn 4%.
Tăng thêm kênh hỗ trợ
Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với hơn 400 DN xuất nhập khẩu hai tỉnh Bình Định và Phú Yên chiều 20.5, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, chia sẻ: Bình quân xuất khẩu của DN gần 250 triệu USD/năm. Thời gian qua, DN xuất khẩu thủy sản nói chung và DN xuất khẩu cá ngừ nói riêng gặp khá nhiều rào cản thương mại của nước nhập khẩu, nhất là thị trường châu Âu. Ngành Hải quan tỉnh đã hỗ trợ rất nhiều, hướng dẫn cụ thể quy định mới; thủ tục thực hiện thông thoáng, hàng hóa thông quan nhanh, không phát sinh chi phí cho DN.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định có hơn 150 DN thành viên tham gia xuất khẩu, chiếm tỷ trọng trên 60% kim ngạch của tỉnh. Trong số hơn 1,6 tỷ USD xuất khẩu năm 2023, ngành gỗ chiếm trên 1 tỷ USD. Chủ tịch Hiệp hội, cũng là chủ một DN trong ngành này, ông Lê Minh Thiện nói rằng, thủ tục hải quan ngày càng đơn giản, tỷ lệ hàng hóa được miễn kiểm tra ngày càng tăng. Không chỉ tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, cơ quan hải quan của tỉnh đã hỗ trợ DN tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các lĩnh vực khác.
Ông Lê Văn Nhuận, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định, khẳng định ngành Hải quan Bình Định quyết liệt ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào hoạt động hải quan trong thời gian tới; xây dựng và phát triển đến năm 2025 cơ bản hoàn thành Hải quan số theo định hướng Chính phủ số, tạo nền tảng xây dựng Hải quan thông minh đến năm 2030. Đặc biệt, phấn đấu mức độ hài lòng của DN đạt 95% trở lên đối với các chỉ tiêu chính về tiếp cận thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính và phục vụ của ngành.
Đổi mới tư duy, nhận thức và nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, DN của đội ngũ công chức Hải quan Bình Định. Bên cạnh đó, cùng với các phương thức tuyên truyền, hỗ trợ DN hiện có qua phương tiện truyền thông, đối thoại, gặp gỡ, các tổ giải pháp vướng mắc… ngành sẽ đẩy mạnh tuyên truyền qua nhiều hình thức, phương tiện để tổ chức, DN dễ tiếp cận, dễ khai thác và thường xuyên sử dụng. Từ tháng 5 này, Cục Hải quan Bình Định mở trang fanpage để đa dạng hóa kênh hỗ trợ cho DN tiếp cận thông tin, chính sách mới nhanh chóng…
MAI HOÀNG