Phát huy di tích Bãi Nhạn - Núi Tam Tòa gắn với phát triển du lịch Quy Nhơn
TP Quy Nhơn được thiên nhiên ưu ái ban tặng những thắng cảnh, đồng thời các di tích văn hóa, lịch sử đều tọa lạc ở các vị trí không quá xa trung tâm, như: Khu du lịch Quy Hòa, Ghềnh Ráng - Tiên Sa, di tích tháp Đôi, Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo…, tạo thuận lợi cho du khách khi đến với vùng đất Bình Định.
Tuy nhiên khi nhắc đến di tích lịch sử Bãi Nhạn - Núi Tam Tòa thì hầu hết cư dân địa phương đều cảm thấy xa lạ, trong khi di tích hiện hữu ngay tại TP Quy Nhơn.
Một chút về quá khứ, Bãi Nhạn (tên gọi khác Nhạn Châu) - nơi doi đất ăn lan ra biển vào lúc nước triều rút với diện tích ước chừng 0,25 km2, thuộc địa phận Hải Minh (khu phố 9, phường Hải Cảng) - từng thu hút hàng đàn chim nhạn trắng xóa kéo về tìm thức ăn, nên mới có tên như vậy. Địa danh này gắn liền với địa danh núi Tam Tòa (thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - Hoàng tử thời nhà Lý); là một điểm xung yếu diễn ra nhiều biến cố lịch sử thời Lý, Trần, Lê, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn, được công nhận di tích cấp quốc gia ngày 16.11.1988.
Di tích lịch sử Bãi Nhạn- Núi Tam Tòa là di tích cấp quốc gia, nhưng chưa có sự quan tâm đúng mức. Ngoài tấm bia đá “trơ gan cùng tuế nguyệt”, thì tại đây không có một hoạt động văn hóa gì. Nơi đầu doi đất nhô ra hiện nay là Trạm kiểm soát biên phòng Mũi Tấn (thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Quy Nhơn, BĐBP tỉnh).
Thiết nghĩ, di tích lịch sử Bãi Nhạn - Núi Tam Tòa cần được quy hoạch gắn với phát triển du lịch, như: Mở rộng đường vào, trồng hoa, trồng cây xanh, vệ sinh môi trường sạch sẽ, đắp nổi mô hình thuyền chiến Đại Hiệu quân Tây Sơn, phù điêu khắc họa tiến trình văn hóa, lịch sử diễn ra tại di tích Bãi Nhạn - Núi Tam Tòa, đặt thêm ghế đá… Bên cạnh đó, cần có quy hoạch cụ thể phạm vi dành cho khu quân sự và phạm vi dành cho hoạt động văn hóa du lịch. Nếu được như vậy, chắc chắn Quy Nhơn sẽ có thêm một điểm đến thú vị dành cho du khách.
HOÀNG BÌNH