Khai thác câu chuyện lịch sử phục vụ phát triển du lịch
Với bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời cùng kho tàng di sản văn hóa phong phú, Bình Ðịnh sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào để phát triển du lịch. Việc nghiên cứu, khai thác câu chuyện lịch sử là “chìa khóa” tạo nên tính hấp dẫn, độc đáo mang nét đặc trưng riêng cho sản phẩm du lịch văn hóa.
Đây là vấn đề được các chuyên gia, nhà nghiên cứu thảo luận, đóng góp tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, khai thác câu chuyện lịch sử phục vụ phát triển du lịch tại tỉnh Bình Định” do Sở KH&CN phối hợp với Sở VH&TT, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Trường ĐH Quy Nhơn và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức ngày 21.5 vừa qua.
Lễ hội cầu ngư ở Bình Định được bảo tồn và phát huy giá trị, nếu khai thác câu chuyện lịch sử bài bản sẽ tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Toàn tỉnh hiện có 149 di tích văn hóa, lịch sử, cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, gồm hát bội, bài chòi, lễ hội dân gian… Mỗi di tích, một loại hình di sản văn hóa phi vật thể, hay một danh nhân Bình Định, từng làng nghề truyền thống... đều chứa trong đó những câu chuyện lịch sử thú vị.
PGS.TS Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, góp ý: “Những câu chuyện về lịch sử Bình Định, như: Phong trào Tây Sơn hay phong trào nông dân Tây Sơn; địa danh Truông Mây liên quan đến khởi nghĩa Chàng Lía; tên gọi Nguyễn Tất Thành của Bác Hồ là lúc còn đi học hay khi Bác Hồ ở Quy Nhơn; cây me ở Bảo tàng Quang Trung; Nguyễn Nhạc đánh thành Quy Nhơn; đầm Đề Gi/Nước Ngọt, cầu Gành/cầu Bà Gi… cần được cập nhật để khai thác giai thoại/câu chuyện lịch sử một cách khoa học đúng sự thật lịch sử”.
Xoáy sâu vào lịch sử thành Hoàng Đế để khai thác những câu chuyện lịch sử liên quan đến di sản tồn tại lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đan xen từ thời Champa đến nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn và thời kỳ cận - hiện đại, TS Nguyễn Công Thành, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn, cho rằng: “Chúng ta có thể xây dựng cơ sở tư liệu khoa học các câu chuyện lịch sử gắn liền thành Hoàng Đế, như: Cuộc hôn nhân của Huyền Trân công chúa; Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc tiếp sứ giả người Anh; đại chiến thành Hoàng Đế: Võ Tánh, Ngô Tòng Châu tự vẫn…, giúp du khách trải nghiệm thú vị, góp phần giáo dục cộng đồng về lịch sử, văn hóa Bình Định”.
“Thông qua hội thảo, Sở KH&CN và Sở VH&TT, Sở Du lịch, cùng các địa phương sẽ tham mưu UBND tỉnh những giải pháp, kế hoạch cụ thể khai thác câu chuyện lịch sử của Bình Định, của từng địa phương để định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển du lịch và văn hóa theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo để phục vụ du khách”.
Phó Giám đốc Sở KH&CN VÕ CAO THỊ MỘNG HOÀI
Nhấn mạnh vấn đề khai thác câu chuyện lịch sử của Bình Định và thủ đô Hà Nội, TS Nguyễn Thị Dơn, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội, chia sẻ: “Nhiều địa danh của Hà Nội, như: Khương Thượng, Ngọc Hồi, Yên Quyết, Thịnh Quang, Nam Đồng vẫn lưu danh những chiến công hiển hách của quân đội Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung. Nhiều văn thần, võ tướng nhà Tây Sơn, cùng một số người con ưu tú khác của quê hương Bình Định có công lớn với đất nước cũng được đặt tên cho những đường phố đẹp ở thủ đô Hà Nội. Giữa thủ đô Hà Nội và Bình Định có nhiều gắn kết lịch sử, văn hóa. Do vậy, hai địa phương cần có những chương trình phối hợp khai thác tài nguyên văn hóa phát triển du lịch, như Lễ hội Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, giáo dục di sản văn hóa cho học sinh, sinh viên…”.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần nhận thức đúng về lịch sử, sử liệu và sử học để sử dụng câu chuyện, giai thoại lịch sử trong quảng bá du lịch đúng với chức năng giáo dục của khoa học lịch sử, không làm xuyên tạc, sai lệch lịch sử; cũng như tập huấn kỹ năng cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch về khai thác câu chuyện lịch sử; xây dựng mô hình “bảo tàng ảo”, không gian 3D tại di tích…
Chủ trì hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đúc kết: “Những câu chuyện, giai thoại lịch sử Bình Định trong nguồn tài nguyên văn hóa khi hệ thống lại bằng những bộ sách, những câu chuyện mang tính chuẩn chỉ có thẩm định được khai thác phù hợp, sẽ tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa mới lạ, đặc trưng riêng giúp du khách hiểu hơn về Bình Định. Cùng với đó, Bình Định cũng nên kết nối với các địa phương khác để quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch từ khai thác câu chuyện lịch sử…”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN