Cần lắng nghe cơ thể khi tham gia các giải chạy
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải chạy được tổ chức với quy mô và nhóm tuổi khác nhau. Nhiều chân chạy trong tỉnh còn tham gia các giải half marathon, marathon, ultra marathon, ultra trail ở ngoài tỉnh, cho thấy phong trào chạy bộ đang phát triển, lan rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là sức khỏe của người tham gia.
Ngày càng hấp dẫn
Vài năm gần đây, tần suất các giải chạy bộ được tổ chức ngày một dày hơn trong phạm vi nội thành Quy Nhơn, do các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức như: Giải Việt dã truyền thống cán bộ, công chức, viên chức lao động Công đoàn Viên chức tỉnh; Giải Việt dã truyền thống do CA tỉnh tổ chức; Giải Việt dã tỉnh Bình Ðịnh; Giải Việt dã ngành Ngân hàng tỉnh…
Đội ngũ y tế được bố trí đảm bảo tại các giải chạy sẽ giúp kịp thời phát hiện và xử trí khi người tham gia gặp vấn đề về sức khỏe. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Những con số ấn tượng từ số lượng VĐV tham gia cho thấy quy mô, chất lượng của giải ngày càng nâng cao, nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều đối tượng khác nhau, từ học sinh phổ thông, sinh viên đến người lao động, công chức, viên chức… ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Nhiều VĐV hoàn thành cự ly với mục đích rèn luyện sức khỏe, “vượt qua giới hạn bản thân”, khám phá cảnh quan thiên nhiên qua các cung đường chạy, nhưng cũng có VĐV chạy để “tranh bục” - cách nói của dân chạy bộ với nghĩa tranh chấp thứ hạng cao.
Là một VĐV phong trào tích cực tham gia các giải chạy, anh Trần Văn Quế (SN 1990, ở TP Quy Nhơn) còn được biết đến như một “thợ săn” giải ở làng chạy. Chỉ trong tháng 3 vừa qua, anh đã góp mặt tại 5 giải chạy và giành thành tích ấn tượng: Vô địch Giải Ultra trail cự ly 85 km Tà Năng; top 4 Giải Ultra trail Đà Lạt cự ly 112 km; vô địch Giải chạy “Bước chân xanh” cự ly 10 km; á quân Giải Việt dã tỉnh Bình Ðịnh - Tranh cúp Báo Bình Định cự ly 5 km...
Sức hấp dẫn của những giải chạy mang lại cho anh Quế nhiều cảm hứng để chinh phục đường đua, đặc biệt là khi anh liên tục nằm trong nhóm có thành tích cao tại các giải. Anh Quế lý giải: Tôi rèn luyện sức khỏe và đánh thức những tiềm năng của chính mình thông qua việc chạy bộ. Trong đó, chạy địa hình là điều cực kỳ thách thức với tôi, nhưng tôi đã hoàn thành vượt mong đợi. Trước khi chạy, tôi phải đảm bảo thể lực, tinh thần, tính toán chiến thuật, ăn uống đủ chất và thực hiện chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Nếu thi đấu các cự ly ngắn, tôi tập trung đến những bài tốc độ. Đối với các cự ly dài, địa hình phức tạp, tôi tập trung vào những bài tập chạy dài tích lũy, tập trung các nhóm cơ và tốc độ. Mỗi người có một sức khỏe, thể lực, cơ địa và khả năng phục hồi khác nhau nên tôi không khuyến khích các VĐV khác làm điều này.
Đam mê nhưng cần hiểu cơ thể
Chạy bộ là một bộ môn lan tỏa năng lượng tích cực, truyền động lực rèn luyện thể chất và tâm trí để phát triển bản thân. Nhiều người đến với chạy bộ vì cần một môn thể thao để tập luyện nâng cao sức khỏe, sau đó cảm thấy phù hợp nên duy trì và nuôi dưỡng thành niềm đam mê. Tại các giải chạy, đam mê là khởi nguồn để các chân chạy thử sức mình, chinh phục những cung đường. Tuy nhiên, môn thể thao này cần người tập trang bị kiến thức, có kế hoạch chinh phục cự ly, giải chạy phù hợp để tự bảo vệ bản thân.
Theo ông Trần Văn Sỹ, HLV tổ cự ly dài Đội tuyển Điền kinh Việt Nam, tại các giải chạy sẽ có nhiều đối tượng tham gia như: Người thường xuyên tham gia thi đấu; người chạy theo phong trào, chạy giao lưu, phá cách; người tập luyện gấp rút để chạy vượt qua giới hạn bản thân... Trong thời gian chạy, nhiều khi người chạy quá sức sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, thần kinh, hay dẫn đến chấn thương về khớp… Những VĐV phong trào hay đỉnh cao cũng không nên tham gia chạy nhiều trong một thời gian ngắn. Trường hợp vẫn muốn tham gia, VĐV nên chạy khoảng 60 - 70% sức lực, cần hiểu rõ cơ thể để biết giới hạn của bạn thân, tránh rủi ro xảy ra.
TS.BS Lê Thành Ấn, Trưởng khoa Tim mạch, BVĐK tỉnh Bình Định, cho biết: “Khi tham gia giải chạy, các VĐV có thể gặp các tình trạng như: Mất nước, sốc nhiệt, xuất hiện hội chứng tiêu cơ vân cấp… Tham gia tập luyện hay thi đấu các giải phong trào đều tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, trước khi tham gia giải chạy, VĐV cần khám sức khỏe, tầm soát tim mạch và kiểm tra hô hấp để kịp thời phát hiện những bệnh tiềm ẩn nhằm tránh những rủi ro. Bên cạnh đó, VĐV nên bổ sung nước, điện giải đầy đủ để tránh nguy cơ mất nước và sốc nhiệt trong quá trình tham gia giải.
KIỀU VY