Góp thêm nhiều sử liệu về Mai Xuân Thưởng
Hội thảo khoa học “Mai Xuân Thưởng với phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX” diễn ra tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (Trung tâm ICISE) ngày 20.5 vừa qua, đã góp thêm nhiều tư liệu lịch sử, góc nhìn nghiên cứu làm rõ thân thế, sự nghiệp của Mai Xuân Thưởng.
Hội thảo do Sở KH&CN phối hợp với Sở VH&TT, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Trường ĐH Quy Nhơn, Trung tâm ICISE và Hội đồng họ Mai tỉnh Bình Định tổ chức, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả đến từ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II - TP Hồ Chí Minh…
Làm rõ những tồn nghi
Hội thảo đã phân tích thêm về thân thế, sự nghiệp Mai Xuân Thưởng với phong trào Cần Vương ở Bình Định cũng như vùng phía Nam Trung kỳ lúc bấy giờ. Trong đó, tập trung làm rõ những tồn nghi về Mai Xuân Thưởng nộp mình hay bị giặc bắt.
Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, chỉ có ý kiến của một số tác giả như Quách Tấn dẫn lại ý kiến của tờ L’Écho annamite (Tiếng vọng An Nam, 1927), rồi sau này được Đặng Quý Địch dẫn lại cho rằng Mai Xuân Thưởng đã tự nộp mình, hoặc ra hàng quân Pháp và tay sai. “Trong hầu hết những công trình nghiên cứu của giới sử gia chuyên nghiệp ở cả Việt Nam, Pháp và một số nước khác, người ta đều thống nhất ghi nhận rằng Mai Xuân Thưởng đã kiên quyết chiến đấu đến cùng, rồi bị sa vào ổ phục kích và bị bắt sống”, GS.TS Phạm Hồng Tung cho biết.
Theo PGS.TS Đinh Quang Hải, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, Mai Xuân Thưởng bị phục binh của Trần Bá Lộc bắt vào ngày 4.5.1887 tại chân đèo Phú Quý (ranh giới giữa Bình Định - Phú Yên). Giặc dụ hàng, nhưng ông đã đanh thép trả lời: “Mang danh hiệu Bình Tây không lẽ hàng Tây? Xưa nay trung thần nghĩa sĩ chỉ có thể làm đoạn đầu tướng quân chứ không thể làm hàng tướng quân”.
Ngày 7.6.1887, tại Gò Chàm, phía ngoài thành Đồ Bàn khoảng 4 km, thực dân Pháp đã hành quyết anh hùng Mai Xuân Thưởng, cùng với Bùi Điền và những người khác. Cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng tuy chấm dứt, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của ông vẫn còn sống mãi trong lịch sử dân tộc.
Dẫn chứng nguồn tư liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương và những hồ sơ của Tổng trú sứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ, hồ sơ lưu trữ ở Bộ Thuộc địa Pháp về cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định - Phú Yên (1885 - 1887), nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, Ủy viên Thường trực Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, cho rằng: “Đây là chứng cứ cơ sở khoa học xác tín anh hùng dân tộc Mai Xuân Thưởng bị giặc Pháp bắt chứ không nộp mình như một số tác giả đã nhận định”.
Di tích lịch sử Lăng Mai Xuân Thưởng tại xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Cần nghiên cứu sâu hơn
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả cũng tập trung thảo luận, đóng góp thêm nhiều ý kiến để có đánh giá về Mai Xuân Thưởng gắn với phong trào Cần Vương trong giai đoạn lịch sử này.
“Đối với nghiên cứu lịch sử, nhiều khi chúng ta cần phê phán tư liệu, phân tích logic để lật lại, xem xét lại những ghi chép trong tư liệu, không phải những ghi chép trong đó đều đúng 100%. Bởi trong những hoàn cảnh, quan điểm lịch sử nhất định, tư liệu sẽ ghi chép không hoàn toàn chính xác”.
GS.TSKH Vũ Minh Giang
Th.S Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, cho rằng: “Nhiều tư liệu lịch sử ghi năm sinh của Mai Xuân Thưởng là 1859, 1860, 1864, nên cần xác định lại năm sinh của ông cho chính xác hơn; bởi phần lớn tư liệu nói ông bị hành quyết năm 28 tuổi. Thêm nữa, cần nghiên cứu ảnh hưởng của phong trào Cần Vương khi Mai Xuân Thưởng mất…”.
Nhiều nhà nghiên cứu cùng quan điểm cần nghiên cứu làm rõ thêm phong trào Cần Vương ở Bình Định, Nam Trung kỳ và sự nghiệp cuối đời của Mai Xuân Thưởng; nghiên cứu thêm những thủ lĩnh khác trong phong trào Cần Vương ở Bình Định; Mai Xuân Thưởng có phải là lãnh tụ tối cao phong trào Cần Vương ở Nam Trung kỳ hay chỉ là lãnh đạo tối cao phong trào Cần Vương tại Bình Định…
Ông Mai Thanh Thắng, Chủ tịch Hội đồng họ Mai tỉnh Bình Định, bày tỏ: “Chúng tôi mong rằng những tồn nghi về anh hùng Mai Xuân Thưởng sau khi được làm sáng tỏ sẽ được điều chỉnh trong những tư liệu lịch sử. Mong muốn Di tích Lăng Mai Xuân Thưởng sẽ được tôn tạo, đúc tượng thờ ông, bổ sung những tư liệu, hiện vật để phát huy giá trị là điểm đến giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ”.
Với vai trò chủ trì Hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, kết luận: “Trên cơ sở đánh giá khoa học, phân tích nội hàm logic tại Hội thảo, chúng ta có thể đưa ra một nhận thức mới được chấp nhận một cách rộng rãi, đó là Mai Xuân Thưởng chiến đấu đến giây phút cuối cùng và bị giặc Pháp bắt, rồi đưa ra pháp trường hành quyết (Báo Bình Định nhấn mạnh). Những ý kiến đóng góp còn lại tại Hội thảo, tôi thấy rất lý thú, như Mai Xuân Thưởng với phong trào Cần Vương không chỉ ở Bình Định, mà còn rộng ra vùng Trung kỳ, nhất là Nam Trung kỳ thời đó như thế nào; Mai Xuân Thưởng có phải là hậu duệ nhà Tây Sơn không… là những vấn đề để chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn trên tinh thần khoa học để đưa ra những kết luận có tính logic”.
Anh hùng dân tộc Mai Xuân Thưởng (1860 - 1887) người làng Phú Lạc, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn (nay là xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) là một thủ lĩnh của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX ở Bình Định, được nghĩa quân suy tôn Bình Tây đại nguyên soái.
Mai Xuân Thưởng bị thực dân Pháp bắt và xử chém vào ngày 7.6.1887. Thi hài của ông được nhân dân mai táng tại quê nhà thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, sau được cải táng tại ngọn đồi cao tại thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường (huyện Tây Sơn) - nơi khi xưa Mai Xuân Thưởng chọn làm căn cứ chống Pháp - hiện nay là di tích lịch sử Lăng Mai Xuân Thưởng.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN