Đầu tư cho y tế cơ sở là hết sức cần thiết
Chiều 25.5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Tham gia thảo luận, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh bày tỏ nhất trí với các nội dung trong Báo cáo của Đoàn giám sát. Đại biểu (ĐB) Hạnh cho rằng thông qua giám sát của Quốc hội đã phản ánh được hệ thống thông tin, số liệu tổng hợp trên phạm vi cả nước. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo cũng đã chỉ ra được những vướng mắc với danh mục rất cụ thể. Trong thời gian tới, ĐB đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo rà soát cụ thể toàn bộ danh mục này để có chỉ đạo giải quyết dứt điểm theo đúng tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15.
ĐB Lý Tiết Hạnh đề nghị phải linh hoạt cho ứng vốn thực hiện với các dự án đã đủ điều kiện thực hiện để đảm bảo tiến độ, tránh lãng phí. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Từ thực tiễn, ĐB Lý Tiết Hạnh đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực y tế ở các địa phương sau đại dịch Covid-19. ĐB nhấn mạnh việc đầu tư cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở là hết sức cần thiết. Việc đầu tư cho các tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện… được cử tri hết sức ủng hộ và các bộ, ngành chức năng tích cực thực hiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phải rà soát, đề xuất lại danh mục, mất rất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, dẫn đến phân bổ vốn còn chậm.
“Ngay đối với tỉnh Bình Định, trong thời gian qua, tỉnh đã liên tục kiến nghị Bộ Y tế, Bộ KH&ĐT xem xét, hỗ trợ vốn từ Chương trình để bổ sung phần vốn còn lại của dự án đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp 5 trung tâm y tế tuyến huyện, nhưng đến nay chưa được giải quyết. Như vậy, nguyên nhân do đâu và chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Đây là những yêu cầu rất cụ thể mà qua giám sát phải có câu trả lời. Tránh trường hợp chúng ta đề ra chính sách rồi không thực hiện, dẫn đến không chỉ lãng phí nguồn lực mà còn mất niềm tin của người dân!”, ĐB Hạnh nêu ý kiến.
Kiến nghị kéo dài thời gian giải ngân thực hiện các dự án, điều chỉnh, chuyển nguồn vốn đầu tư…, ĐB Lý Tiết Hạnh đề nghị Quốc hội giao Chính phủ trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng, hiệu quả các chương trình, dự án cụ thể, khả năng cân đối nguồn lực… để có giải pháp tháo gỡ cụ thể.
“Đề nghị việc xem xét này phải hết sức khách quan, thận trọng, vì thực tế trong bối cảnh khó khăn trăm bề như trong giai đoạn vừa qua, việc các địa phương phải khảo sát, đánh giá, đề xuất các công trình, dự án, cân đối nguồn vốn… mất rất nhiều thời gian, công sức, kể cả kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có những chương trình, dự án không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, nhưng việc dừng các dự án này cũng không phải là dễ dàng!”, ĐB Hạnh phát biểu.
Đối với những dự án đã được các ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện chỉ còn chờ vốn, ĐB Hạnh đề nghị phải linh hoạt cho ứng vốn thực hiện để đảm bảo tiến độ, tránh lãng phí. Đối với những chương trình dự án khác nếu đủ điều kiện thì cho phép kéo dài thời gian giải ngân phù hợp, nhưng phải có quy định chặt chẽ.
N.HÂN