Tỏa sáng nét đẹp vầng trăng khuyết
Vượt qua nghịch cảnh, nhiều phụ nữ khuyết tật đã nỗ lực vươn lên tỏa sáng dịu mát như vầng trăng khuyết, góp phần làm đẹp cho đời. Xin giới thiệu 3 trong 33 phụ nữ khuyết tật được Hội LHPN tỉnh tặng bằng khen tại chương trình giao lưu “Tỏa sáng vầng trăng khuyết” được tổ chức mới đây.
Vượt qua nghịch cảnh
Bước qua những tự ti mặc cảm khi cơ thể tật nguyền khiếm khuyết, nhiều chị em đã không ngừng học tập và làm việc, ổn định cuộc sống bản thân, trở thành chỗ dựa của gia đình, góp phần lan tỏa nét đẹp của nghị lực.
Sinh ra không may bị khuyết tật ở tay (teo dần từ khuỷu tới bàn tay phải), nhưng không chấp nhận số phận, chị Phan Thị Thùy Trang (SN 1990, ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) phấn đấu hoàn thành chương trình cử nhân Luật kinh tế của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Chị đang làm việc tại Văn phòng Công chứng Lê Văn Thông (TP Quy Nhơn), là thành viên Đoàn luật sư tỉnh.
Chị Phan Thị Thùy Trang (người đứng) hướng dẫn khách hàng làm thủ tục tại nơi làm việc. Ảnh: Hội LHPN tỉnh
“Tôi nghĩ rằng việc mình sinh ra như thế nào không phải là vấn đề, sống như thế nào mới là điều quan trọng. Dù phải trải qua tuổi thơ đầy khó khăn, nhưng tôi chưa bao giờ chán nản mà luôn tin yêu vào cuộc sống. Tôi luôn sống với ước mơ, hoài bão và biết ơn bố mẹ vì đã cho tôi có mặt trên cuộc đời này”, chị Trang chia sẻ.
Cũng không cam chịu trước số phận, chị Võ Thị Diễm (SN 1982, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn; bị tật gù lưng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, vận động từ bé) luôn khát khao vươn tới cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn. Và chị đã được đền đáp sau bao cố gắng.
Chị Võ Thị Diễm miệt mài với công việc của mình. Ảnh: T.K
Gia đình khó khăn, dù gặp nhiều hạn chế trong sinh hoạt, chị Diễm vẫn phải cố gắng bươn chải mưu sinh từ sớm. Năm 2010, chị kết hôn. Chồng chị cũng là người khuyết tật-
bị khiếm thị và mất một tay trái. Sau kết hôn, chị sinh con nên cuộc sống vốn khó lại thêm ngặt. Không cam chịu nghịch cảnh, chị đã trăn trở, suy nghĩ tìm hướng giúp cho gia đình có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
“Tôi đã thử qua nhiều ngành nghề, nhưng hạn chế về mặt sức khỏe khiến công việc không mấy thuận lợi, tôi tự nhủ phải tìm hướng có thể làm chủ công việc của mình. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền địa phương, năm 2023, tôi thành lập cơ sở gia công sản phẩm đan nhựa giả mây. Từ đó, cuộc sống gia đình tôi từng bước ổn định”, chị Diễm tâm sự.
Tỏa sáng với đời
Với tư duy phát triển theo hướng lâu dài, chị Diễm đã mạnh dạn đầu tư thêm máy móc và liên hệ với nhiều công ty để nhận hàng trực tiếp. Vừa giúp cải thiện cuộc sống gia đình, cơ sở đan nhựa giả mây của chị còn giải quyết việc làm cho 20 lao động nữ tại địa phương với mức lương 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Chị Diễm cho biết: “Tôi đang cố gắng làm việc để có thể sửa chữa lại cơ sở, cải thiện không gian, giúp các chị, các cô có nơi làm việc thoải mái hơn”.
Cũng như chị Diễm, từ việc không cam chịu số phận, không muốn làm gánh nặng cho gia đình và xã hội, chị Nguyễn Thị Hiếu (SN 1972, ở xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) đã vượt qua nghịch cảnh, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Hiếu mong muốn mở rộng cơ sở, dạy nghề cho phụ nữ khó khăn. Ảnh: T.K
Sinh ra với đôi chân khuyết tật, đôi nạn trở thành bạn đồng hành, nhưng với quyết tâm thay đổi cuộc đời, năm 1998, chị Hiếu đã tự lặn lội vào TP Hồ Chí Minh để học nghề may, học cách vận hành cơ sở may công nghiệp.
Nhờ nỗ lực không ngừng, 10 năm ở TP Hồ Chí Minh chị Hiếu đã tích lũy được một số vốn để về quê lập nghiệp. Ban đầu, chị thuê ki ốt ở chợ An Thái (xã Nhơn Phúc) để mở tiệm nhận sửa quần áo và bán một ít hàng như nem, chả, kem… Nhờ tay nghề tốt, dần dà chị được nhiều người biết đến.
Năm 2011, vẫn giữ nghề sửa quần áo, chị Hiếu quyết định mua một số máy may công nghiệp để nhận hàng gia công và thuê lao động tại địa phương. Hiện nay, với hơn 20 máy may công nghiệp và hơn 20 công nhân, hằng tháng cơ sở của chị may được 2.000 - 2.500 sản phẩm, thu nhập bình quân của nhân công đạt 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Gia đình chị Hiếu có nguồn thu ổn định và đã thoát nghèo từ năm 2021.
Chị Nguyễn Thị Hảo (ở xã Nhơn Phúc, làm việc tại cơ sở may của chị Hiếu) cho biết: “Có được việc làm tại địa phương, tôi có thể vừa làm vừa đưa đón con đi học. Việc làm này rất phù hợp với những bà mẹ trẻ như chúng tôi. Hơn nữa hàng hóa tại cơ sở đảm bảo nên chúng tôi có việc làm thường xuyên, không có tình trạng đứt hàng”.
Không dừng lại ở đó, chị Hiếu mong thời gian đến đủ tiềm lực để mở lớp dạy nghề cho chị em khuyết tật, trẻ em mồ côi, phụ nữ neo đơn... để họ có “cần câu” cải thiện cuộc sống.
THẢO KHUY