Yêu thương, san sẻ với nạn nhân chất độc da cam
Ðã 3 năm nay, anh Phùng Huy Chiến (ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đều đặn quyên góp tiền để mua xe lăn, xe bô cho các nạn nhân chất độc da cam. Bên cạnh đó, anh còn hỗ trợ tiền mặt, tạo việc làm cho thân nhân những người bị chất độc da cam để họ có nguồn thu nhập ổn định lâu dài.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại xã Cát Hải (huyện Phù Cát), anh Chiến có tình cảm đặc biệt đối với những trẻ em bị khuyết tật do nhiễm chất độc màu da cam.
Anh Chiến đến thăm một em nhỏ khuyết tật do bị nhiễm chất độc màu da cam tại xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn). Ảnh: NVCC
Đầu năm 2021, trong một lần về thăm quê, anh Chiến được gặp gỡ và trò chuyện cùng một gia đình có 2 con bị khuyết tật do chất độc da cam. Dù đều đã ngoài tuổi 40, nhưng cả 2 nạn nhân da cam ấy chỉ có thể nằm bất động, chân tay co quắp, những vùng da tiếp xúc với giường gỗ bị lở loét khiến cho bà mẹ già bất lực. Quá thương cho hoàn cảnh ấy, anh Chiến về bàn với vợ trích tiền tiết kiệm để ủng hộ xe lăn, xe bô cho 2 trường hợp trên. Sau đó, những gia đình ở các nơi khác cũng đến nhờ anh giúp. Vợ chồng anh Chiến thu xếp công việc, trở về quê để thực hiện những hoạt động thiện nguyện đầu tiên.
Đầu năm 2022, quán ăn gia đình được mở rộng, vợ chồng anh Chiến bàn nhau sẽ tạo điều kiện cho con cái của những gia đình có người bị khuyết tật có công việc ổn định. Sau khi thăm hỏi nguyện vọng của các gia đình, anh Chiến đã nhận dìu dắt cho 2 em vừa học xong lớp 12 ở xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) làm phục vụ tại quán với mức lương ưu đãi
7,5 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2023, anh tiếp tục dìu dắt cho 2 em vừa học xong lớp 9 ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát) học nghề nấu ăn và làm việc tại quán của anh. Nhờ đó, hai em có được khoản thu nhập ổn định để phụ giúp mẹ chăm sóc cho người thân bị khuyết tật.
“Tôi cảm thấy rất vui vì có vợ đồng hành và ủng hộ tôi trong mọi việc. Cô ấy là người đề nghị tôi hỗ trợ việc làm cho các cháu - điều mà tôi chưa từng nghĩ tới. Với cách làm này, các cháu có thể có được công việc, thu nhập ổn định để phụ giúp bố mẹ chăm lo cho anh, em bị khuyết tật. Ở quán, các cháu gọi tôi là ba Chiến”, anh Chiến kể lại.
Trong gia đình, ba và chú của anh Chiến đều tham gia kháng chiến chống Mỹ năm 1972, và anh được nghe kể nhiều về những người lính xông pha trận mạc.
“Ba tôi sợ khi sinh tôi ra sẽ bị khuyết tật vì cả ba và chú trong quá trình hành quân đều bị nhiễm chất độc màu da cam. Chú tôi không lấy vợ vì sợ thế hệ sau sẽ bị tàn tật. Tôi cảm thấy may mắn vì mình có hình hài khỏe mạnh, đó cũng là động lực để tôi cố gắng đồng hành cùng những gia đình là nạn nhân của loại chất độc này”, anh Chiến tâm sự.
Không có con, anh Chiến xem những đứa trẻ mà anh dìu dắt là các con của mình. Mỗi năm, vợ chồng anh đều về thăm quê để được thông tin về những hoàn cảnh cần hỗ trợ khác, từ đó nối dài thêm hành trình san sẻ nỗi đau do chất độc da cam.
NGUYỄN XUÂN