Điện gió ngoài khơi cần chú trọng chuyển giao công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa
Các dự án điện gió ngoài khơi cần quan tâm tới hợp tác phát triển và chuyển giao công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nhất thiết phải có sự kết hợp với các nhà sản xuất lớn trong nước hướng tới sản xuất các hợp phần thiết bị của điện gió ngoài khơi nhằm giảm giá thành.
Tại Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ có khoảng 6 GW điện gió ngoài khơi và đến năm 2050, con số này sẽ tăng gấp 11-15 lần, dự kiến sẽ đạt khoảng 70 - 91,5 GW giúp Việt Nam thực hiện cam kết trung hòa carbon.
Tuy nhiên, theo đại diện Ban Chỉ đạo các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng cho biết, để có thể triển khai được các dự án điện gió ngoài khơi, vấn đề quan trọng nhất là phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan làm căn cứ triển khai thực hiện như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, một số quy hoạch có liên quan cũng như Nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến lĩnh vực này.
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có khoảng 6 GW điện gió ngoài khơi và đến năm 2050, con số này sẽ tăng gấp 11 -15 lần, dự kiến sẽ đạt khoảng 70 - 91,5 GW
Cụ thể như lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, hiện còn có một số bất cập, chưa đồng bộ, chưa thống nhất trong quy định pháp luật về giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện điều tra, khảo sát, thăm dò, đo đạc.
Đặc biệt là việc giao khu vực biển cho nhà đầu tư nước ngoài; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và có sự giao thoa, xung đột với các hoạt động khai thác sử dụng biển. Đó là chưa tính đến khó khăn trong khả năng tiếp cận vốn tín dụng, hệ thống truyền tải, đàm phán giá điện cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng…
Để khởi động, định hình phát triển điện gió ngoài khơi thành một ngành công nghiệp mới hiện đại ở Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ có thể xem xét bắt đầu bằng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, trên cơ sở phải đáp ứng được các tiêu chí rõ ràng, chứng minh được về năng lực, kinh nghiệm, tài chính...
Theo ông Nguyễn Đức Cường, chuyên gia cao cấp về năng lượng - Tập đoàn T&T, các dự án điện gió ngoài khơi cần quan tâm tới phát triển và chuyển giao công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nhất thiết phải có sự kết hợp với các nhà sản xuất lớn trong nước hướng tới sản xuất các hợp phần thiết bị của điện gió ngoài khơi nhằm giảm giá thành.
“Với những tiến bộ gần đây về công nghệ đã giúp giảm chi phí đầu tư, lắp đặt đưa đến chi phí quy dẫn của điện gió ngoài khơi trở nên cạnh tranh hơn với các nguồn điện truyền thống. Đầu tư điện gió ngoài khơi đã ghi nhận mức giảm gần 70% chi phí và xu thế giảm giá vẫn không hề dừng lại khi được dự báo sẽ giảm thêm 30% nữa tại các thị trường điện gió ngoài khơi đã phát triển và trưởng thành”, ông Cường cho biết.
Dự án điện gió ngoài khơi Changfang & Xidao tại Đài Loan mới được khánh thành ngày 22.5 vừa qua
Hình thành chuỗi cung ứng từ điện gió ngoài khơi
Từ thực tế phát triển công nghiệp cũng như thị trường điện gió ngoài khơi trên thế giới có thể thấy, nhiều quốc gia ngay trong khu vực đã bắt đầu ưu tiên triển khai các dự án có quy mô lớn, quy trình chuyển giao công nghệ cũng như tỷ lệ nội địa hóa luôn được coi trọng.
Đơn cử như trong kế hoạch đầu tư và phát triển 21 GW điện gió ngoài khơi khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc và Australia, mới đây, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP - Đan Mạch) đã tổ chức lễ khánh thành 2 dự án điện gió ngoài khơi Changfang & Xidao nằm cách bờ biển phía Tây Đài Loan 11 km.
Với tổng công suất gần 600 MW, 2 dự án này đã đóng góp thêm khoảng 25% vào tổng công suất điện gió ngoài khơi của Đài Loan, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng về giảm phát thải ròng bằng 0 của Đài Loan. Khi hoạt động hết công suất, Changfang & Xidao sẽ cung cấp đủ năng lượng cho khoảng 650.000 hộ gia đình Đài Loan và dự kiến sẽ giúp giảm 1,1 triệu tấn carbon hàng năm.
Theo bà Christina Grumstrup Sorensen - Thành viên Hội đồng sáng lập và HĐQT Tập đoàn CIP, dự án Changfang & Xidao có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Đài Loan. Dự án gồm 62 tua bin Vestas V174 và móng jacket do công ty Century Wind Power của Đài Loan cung cấp. Trong mảng kỹ thuật hàng hải, Công ty Boskalis HwaChi Offshore Wind Taiwan chịu trách nhiệm vận chuyển và lắp đặt móng jacket, Công ty CSBC-DEME Wind Engineering (CDWE) đảm nhận việc vận chuyển và lắp đặt tua bin ngoài khơi.
“Trong 7 năm qua, đội ngũ phát triển và xây dựng dự án, các nhà cung cấp, các đối tác và cổ đông đã chứng minh sức mạnh của sự hợp tác. Trong quá trình xây dựng, nhóm phát triển dự án đã chuyển giao thành công kinh nghiệm và công nghệ quốc tế cho Đài Loan, thúc đẩy sự trưởng thành của chuỗi cung ứng trong nước. Thành công của dự án góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Đài Loan, thiết lập chuỗi cung ứng trong nước, đồng thời hỗ trợ mục tiêu dài hạn của Đài Loan trong việc phát triển điện gió ngoài khơi”, bà Christina Grumstrup Sorensen cho hay.
Theo đại diện CIP, quá trình xây dựng dự án điện gió ngoài khơi Changfang & Xidao có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Đài Loan
Được biết tại Việt Nam, Tập đoàn CIP hiện đang phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất 3,5 GW tại tỉnh Bình Thuận, với mục tiêu trở thành dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Dựa trên nghiên cứu của tập đoàn này, tỷ lệ nội địa hóa tại 1 trang trại gió ngoài khơi của Việt Nam có thể lên đến trên 40%.
Đơn cử như với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10,5 tỷ USD cho trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn, 4,4 tỷ USD sẽ được chi tiêu cho các hạng mục được thực hiện tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực phát triển và quản lý dự án, cung cấp phần móng, trạm biến áp trên bờ và ngoài khơi, cảng xây dựng, vận hành và dịch vụ bảo trì...
Chủ trì phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng hồi tháng 3.2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao, liên quan đến Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.
Trong đó tập trung rà soát toàn diện khó khăn, vướng mắc, thiếu sót tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; thẩm quyền và cơ sở pháp lý quyết định để triển khai có hiệu quả các dự án điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch Điện VIII. Trường hợp cần thiết cần đề xuất xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi (để có thể triển khai được ngay trong khi chờ sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan).
Theo Nguyễn Quỳnh (VOV.VN)