Thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN:
Động lực mới từ quy chế phối hợp
Ông Phạm Mai
Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là những chính sách xã hội có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Nhằm giải quyết những khó khăn trong công tác phối hợp thực hiện 3 loại hình bảo hiểm này, với kỳ vọng sẽ tạo ra những động lực mới, lần đầu tiên một quy chế phối hợp được ban hành ở tỉnh ta. Ông Phạm Mai - Giám đốc BHXH tỉnh đã trao đổi với PV Báo Bình Định xung quanh vấn đề này.
Theo ông Phạm Mai, trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; các ngành chức năng liên quan đã phối hợp tổ chức triển khai, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN có hiệu quả, đảm bảo công tác an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta ngày càng bền vững.
Tuy nhiên, công tác phối hợp của các ngành chức năng liên quan vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Công tác phối hợp tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa mang tính thường xuyên; phối hợp thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, đặc biệt là xử lý chưa triệt để, thiếu đồng bộ, kiên quyết; một số đơn vị vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT đã khởi kiện ra tòa, nhưng khi phối hợp tiến hành thi hành án lại không thực hiện được. Công tác phối hợp chỉ trong phạm vi một số sở ngành, chưa toàn cục, chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Trước tình hình đó, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với BHXH tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp công tác thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, nhằm tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trên địa bàn tỉnh.
● Quy chế phối hợp này được xây dựng dựa trên những căn cứ và nguyên tắc nào, thưa ông?
- Quy chế phối hợp được xây dựng dựa trên các quy định pháp luật về BHXH, BHYT như: Luật BHXH, Luật BHYT, Quyết định 538/QĐ-TTg ngày 29.3.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH, Luật BHYT. Đồng thời, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan theo quy định của pháp luật và nhiệm vụ được giao liên quan đến lĩnh vực phối hợp.
Nguyên tắc chủ đạo của quy chế là đảm bảo tính thống nhất, kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh; giải quyết kịp thời những yêu cầu hợp pháp của tổ chức, công dân liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN.
● Xin ông cho biết cụ thể các nội dung chính được đề cập trong quy chế?
- Quy chế phối hợp đã quy định trách nhiệm, quyền hạn và nội dung phối hợp của các cơ quan, tổ chức nhà nước, chính quyền các địa phương trong công tác thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh, gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Trong đó, tập trung vào các nội dung như tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện chế độ, chính sách; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHXH, BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách.
Bên cạnh đó là thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN; xử lý hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động và nhân dân. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch và các văn bản pháp luật chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; xem xét kiến nghị, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách phù hợp với thực tiễn, để chính sách đi vào cuộc sống.
Thực hiện quy chế phối hợp hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT.
- Trong ảnh: Một ca phẫu thuật nội soi u xơ tiền liệt tuyến được thực hiện tại BVĐK khu vực Bồng Sơn.
Nội dung công tác phối hợp được quy định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức. Cụ thể, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, nội dung phối hợp tập trung vào tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, chỉ đạo thực hiện; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN. Đối với các tổ chức đoàn thể, tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật; kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách, kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết những vướng mắc, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Đối với cơ quan bảo vệ pháp luật (Công an tỉnh), tập trung vào việc đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Đối với cơ quan thực hiện chính sách (BHXH tỉnh) tập trung vào công tác tuyên truyền; tổ chức thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN…
● Quy chế phối hợp này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong việc phát triển đối tượng BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là BHYT, thưa ông?
- Việc ban hành Quy chế phối hợp thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của UBND tỉnh đối với việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh.
Việc ban hành Quy chế sẽ tạo khung pháp lý tăng cường công tác phối hợp và tăng cường trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh. Đó sẽ là động lực quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, thúc đẩy phát triển đối tượng tham gia, đặc biệt là tăng nhanh diện bao phủ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, BHXH tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH cụ thể hóa, xây dựng nội dung, chương trình phối hợp giữa BHXH tỉnh với từng sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, thống nhất ký kết triển khai thực hiện Quy chế này. Qua đó, tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN đạt kết quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đến năm 2020 mà Chính phủ đã đề ra.
● Xin cám ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)