Ngành gỗ chuyển đổi xanh
Doanh nghiệp ngành gỗ buộc phải chuyển đổi xanh vì yêu cầu của thị trường, khách hàng và đó cũng là xu thế toàn cầu. Hơn 130 doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Ðịnh đang nỗ lực thay đổi cách quản lý, hệ thống máy móc, sử dụng nguyên liệu, vật liệu theo hướng ngày càng thân thiện hơn với môi trường.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, việc tập trung xây dựng hình ảnh thân thiện, phát triển bền vững của ngành gỗ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, cho biết: Hơn 130 thành viên của Hiệp hội là DN chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất đã nỗ lực vượt qua thách thức, ổn định sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu 1,6 tỷ USD năm 2023 của tỉnh. Dù thị trường đã có một số dấu hiệu hồi phục, nhưng năm 2024 vẫn chưa hết khó khăn. Bên cạnh các khó khăn về sức mua của thị trường, ngành gỗ đang đối mặt với nhiều khó khăn mới do thị trường đòi hỏi ngày càng cao về tính bền vững, thân thiện với môi trường. Do đó, hướng tới mục tiêu sản xuất xanh, lấy đây làm lợi thế cạnh tranh, các DN đã và đang liên tục đầu tư, đổi mới sản xuất.
Các DN ngành gỗ Bình Định đang dần thay thế một số thiết bị máy móc đáp ứng tiêu chí xanh của đối tác. Ảnh: HẢI YẾN
Quy định về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm tại các thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn ngày càng chặt chẽ, chi tiết hơn. Yêu cầu chuyển đổi xanh đối với DN ngành gỗ đang cấp bách, vì mốc thời gian các quy định có hiệu lực không còn nhiều. Theo đó, từ năm 2027, hàng hóa đưa vào thị trường EU và Hoa Kỳ phải đáp ứng các tiêu chuẩn giảm phát thải nhà kính; hai thị trường này cũng sẽ kiểm soát, đánh giá hàm lượng carbon trong sản phẩm. Nếu hàm lượng carbon cao hơn quy định thì bắt buộc các nhà xuất khẩu phải nộp thêm thuế hoặc tín chỉ carbon.
Năm 2023, Công ty CP kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (TP Quy Nhơn) là 1 trong 5 DN lớn trong cả nước được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vận động các tổ chức quốc tế về môi trường hỗ trợ 200 - 300 triệu đồng/DN để thực hiện chuyển đổi xanh. Công ty CP kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt đã thay đổi một số máy móc, thay hệ thống sấy nhiệt hơi cho lò sấy cũ, qua đó giảm tới 3/4 lượng điện năng tiêu thụ.
Ông Dương Xuân Khải, Giám đốc kinh doanh Chi nhánh Bình Dương của Công ty TNHH TM Vĩ Đại (TP Hồ Chí Minh), cho biết: Từ đầu năm đến nay, công ty nhận được nhiều đơn đặt hàng của các DN gỗ lớn ở Bình Định trang bị một số máy móc sản xuất gỗ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, phù hợp với tiêu chí xanh do đối tác đặt ra. Riêng các đơn đặt hàng liên quan đến hệ thống máy móc mới ước tính trị giá khoảng 1 triệu USD.
Cơ hội tăng trưởng
Theo ông Lê Minh Thiện, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, phát triển, cộng đồng DN ngành gỗ Bình Định tập trung vào chiến lược đa dạng hóa thị trường, khai thác thêm khách hàng mới, tập trung vào nhóm hàng có giá trị gia tăng cao; tái cấu trúc hoạt động của DN theo phương châm “tự lực, tiết kiệm” từ cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất đến tìm kiếm, lựa chọn khách hàng, đơn hàng phù hợp năng lực, điều kiện sản xuất kinh doanh của từng đơn vị.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định khuyến khích các hội viên đầu tư trồng rừng gỗ lớn, hình thành vùng nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đầu tư phát triển nhà máy chế biến sâu sau dăm gỗ như ván dăm okal, ván MDF, ván ghép thanh; củng cố thị trường xuất khẩu cho nhóm ngành hàng nhựa đan; hỗ trợ phát triển hài hòa các ngành hàng dăm gỗ, viên nén, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi mua nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ sản xuất.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn - địa phương có diện tích rừng gỗ lớn khá cao, cho biết: Hiện có 6 xã trên địa bàn huyện thực hiện liên kết với Công ty Năng lượng sinh học Phú Tài, Công ty Năng lượng sinh học Tín Nhân, sản xuất và tiêu thụ gỗ rừng trồng gắn với cấp chứng chỉ, với tổng diện tích gần 1.500 ha. Diện tích rừng trồng kể trên đã được DN hỗ trợ hoàn toàn kinh phí thuê đơn vị tư vấn đánh giá và cấp chứng chỉ FSC, duy trì chứng chỉ hằng năm gắn với xây dựng vùng nguyên liệu theo Đề án phát triển sản xuất ngành nông nghiệp huyện.
Viên nén là mặt hàng nhiên liệu được chọn để thay thế cho than, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải CO2 tại các nhà máy nhiệt điện, nhưng chính bản thân các DN sản xuất viên nén cũng đối diện với nguy cơ phát sinh khí thải CO2 tại các nhà máy. Là những thị trường lớn của mặt hàng viên nén gỗ, EU và Nhật Bản đã đưa ra nhiều yêu cầu chi tiết, bắt buộc phải có về tiêu chí giảm phát thải carbon. Điều này đòi hỏi DN chế biến, xuất khẩu phải hợp tác, gắn kết chặt chẽ với người trồng rừng để tạo ra nguyên liệu hợp pháp, tuân thủ pháp luật, có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Khi thỏa mãn các đòi hỏi này thì cơ hội tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ rất lớn.
Tại hội thảo chứng chỉ FSC tổ chức tại TP Quy Nhơn vào tháng 3.2024, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng: Các DN ngành gỗ ở Bình Định nên xây dựng liên kết chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ, khi đó việc đáp ứng các điều kiện gỗ hợp pháp của các thị trường khó tính sẽ thuận tiện hơn, cả khâu hoàn thuế giá trị gia tăng cũng sẽ ít tốn kém. Dần dần, tất cả các thị trường nhập khẩu đồ gỗ sẽ đều siết chặt các điều kiện liên quan đến yếu tố “xanh” - từ sản xuất xanh, thương mại xanh đến tăng trưởng xanh, ta buộc phải đáp ứng yêu cầu truy xuất đến tận người trồng rừng. Đây không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện mà đã trở thành điều kiện bắt buộc nếu muốn bán hàng cho đối tác.
Xanh hóa hoạt động sản xuất, chế biến trong ngành gỗ vì thế ngày càng trở nên cấp bách. Đó là những thử thách lớn nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích có tính bền vững, chiến lược.
HẢI YẾN