Giám sát việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực đấu giá tài sản
(BĐ) - Ngày 28.5, tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp), đoàn giám sát của HĐND tỉnh do Trưởng Ban Pháp chế Phạm Hồng Sơn làm trưởng đoàn, thực hiện giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về một số lĩnh vực trong hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến năm 2023”.
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Định từ tháng 1.2021 - 12.2023, Trung tâm đã tổ chức đấu giá thành 1.206 cuộc, với giá bán hơn 1.945 tỷ đồng; chênh lệch so với giá khởi điểm là 321 tỷ đồng. Đối với tài sản các loại (trừ quyền sử dụng đất) đã tổ chức đấu giá thành 279 cuộc, với giá bán hơn 175 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm là hơn 23 tỷ đồng.
Quang cảnh buổi giám sát.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Theo đó, tại các Điều 38, 39 Luật đấu giá tài sản năm 2016 có những quy định không thống nhất về thời gian nộp hồ sơ tham gia đấu giá và nộp tiền đặt trước tham gia đấu giá. Khoản 1 Điều 66 và khoản 1 Điều 4 của Luật cũng có sự chồng chéo về quy định thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản. Ngoài ra, cần xem xét, sửa đổi Thông tư số 48/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản, qua đó tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá được để lại cho các tổ chức đấu giá tài sản để đảm bảo chi phí hoạt động. Cần điều chỉnh tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo Thông tư 02/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định để làm cơ sở cho tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thực hiện.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung làm rõ thêm một số nội dung về hoạt động đấu giá tài sản giảm; đời sống, môi trường làm việc của cán bộ và nhân viên trung tâm; công tác phối hợp với các cơ quan, địa phương trong quá trình đấu giá tài sản; những tồn tại, hạn chế của Trung tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong công tác đấu giá tài sản…
K.ANH