An toàn thực phẩm là vấn đề thường xuyên, liên tục, cấp bách
Vài năm trở lại đây, Bình Định chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào. Tuy nhiên công tác quản lý vẫn còn một số hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm nếu không được kiểm soát tốt. Điều này đòi hỏi công tác quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm phải làm thường xuyên, liên tục, cấp bách.
Ngày 28.5, chủ trì Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh liên quan về công tác an toàn thực phẩm (ATTP) 5 tháng đầu năm 2024 và triển khai công tác phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trong tình hình hiện nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh về an toàn thực phẩm, liên tục đặt vấn đề “quan trọng”, “nóng”.
Ngành y tế tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm,giám sát mối nguy trên thực phẩm. Ảnh: M.H
Cơ sở nhỏ lẻ, ý thức chấp hành pháp luật còn thấp
Theo Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP, hiện toàn tỉnh có 21.553 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó, tuyến tỉnh quản lý 5.617 cơ sở; tuyến huyện quản lý 3.551 cơ sở; tuyến xã quản lý 12.385 cơ sở. Trên 90% cơ sở có quy mô nhỏ, hộ gia đình, sản xuất kinh doanh theo mùa vụ, không có địa chỉ cố định tập trung, chủ yếu của tuyến huyện, tuyến xã quản lý.
Công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra ATTP được các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai theo Chỉ thị số 17- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các kế hoạch của tỉnh, ngành, địa phương; 5 tháng đầu năm đã triển khai 2 đợt cao điểm kiểm tra về ATTP là tết Nguyên đán, mùa lễ hội xuân và tháng hành động vì ATTP.
Tuy vậy, hoạt động quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại. Đáng chú ý, theo ông Lê Văn An, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), quy mô sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các cơ sở trên địa bàn tỉnh còn nhỏ, ở mức hộ gia đình, sản xuất kinh doanh theo mùa vụ… nên công tác quản lý nhà nước về ATTP còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức, kinh phí triển khai công tác quản lý ATTP còn hạn chế; cán bộ còn kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi vị trí công tác. Việc xử lý các vi phạm về ATTP đối với cơ sở nhỏ, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố của UBND cấp xã chưa nghiêm, chủ yếu nhắc nhở nên chưa tạo được ý thức chấp hành pháp luật của chủ loại hình cơ sở này.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho hay hiện trên địa bàn thành phố có hơn 5.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp thực phẩm; trong số này, hơn 3.700 cơ sở thuộc phạm vi quản lý của thành phố và phường, xã. “Nhân lực thực hiện công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn phường, xã còn hạn chế, hầu hết kiêm nhiệm. Công tác kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP của phường, xã chưa thường xuyên. Những cơ sở sản xuất do phường, xã đều quy mô nhỏ, biến động cao, nên việc kiểm tra thường phải thực hiện ngoài giờ, trong khi đó tiềm lực của địa phương rất khó đáp ứng đủ kinh phí để thực hiện”, ông Nam chia sẻ.
Ngành y tế kiểm tra ATTP tại một cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Quy Nhơn (tháng 3.2024). Ảnh: M.H
Đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý và công khai vi phạm
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho rằng, quản lý ATTP là nhiệm vụ hết sức phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của các ngành, hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ của UBND các huyện, thị xã, thành phố. Thời gian tới, ngành y tế tăng cường xét nghiệm các mẫu thực phẩm, làm thường xuyên và liên tục. Qua đợt lấy mẫu gần đây trong tháng 5 đã phát hiện tại 1 cơ sở kinh doanh bánh mì quy mô khá lớn, có uy tín, có hàm lượng vi khuẩn vượt mức cho phép trên sản phẩm thịt nguội và chả lụa. Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị để lấy mẫu, qua đó tham mưu Ban chỉ đạo, UBND tỉnh thực hiện công bố công khai các mẫu không đạt và xử lý theo quy định.
Khẳng định ATTP là vấn đề rất quan trọng, nóng bỏng và cấp bách, bởi tác động và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhấn mạnh yêu cầu sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành trong tỉnh. Trong đó, phải phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, tránh chồng chéo, trùng lắp, hoặc bỏ trống, buông lỏng quản lý ATTP.
“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các tổ chức của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, vì tác động đến hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý ATTP”, đồng chí Lâm Hải Giang nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTP phục vụ cho các chuỗi sự kiện diễn ra xuyên suốt trong năm 2024. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát ATTP có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng kiểm tra, giám sát thực chất, hiệu quả, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với kiểm tra theo kế hoạch, tập trung vào thời điểm nhất định, tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất, làm thường xuyên, đặc biệt chú ý đến các đối tượng “đang khó quản lý”, làm kỹ từng khâu một để đảm bảo ATTP “từ trang trại đến bàn ăn”.
Sở Y tế rà soát các quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về ATTP giữa các ngành, địa phương để giải quyết tình trạng “3 không” trong công tác quản lý ATTP. Đồng thời, đề xuất việc bảo đảm các điều kiện để tăng hiệu quả công tác quản lý, nhất là ở cấp xã.
Cần có quy chuẩn, quy định cụ thể điều kiện an toàn thực phẩm với cơ sở nhỏ lẻ
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cho biết, tỉnh sẽ kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi Quyết định 39/2006/QĐ-BYT về quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm; quy định cụ thể điều kiện bảo đảm ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố. Đồng thời, kiến nghị Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
MAI HOÀNG