CHUYỂN ĐỔI 13 TRƯỜNG MẦM NON BÁN CÔNG, CÔNG LẬP SANG TỰ CHỦ TÀI CHÍNH:
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đáp ứng đúng lộ trình
Sở GD&ĐT vừa tổ chức rà soát lại kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc chuyển đổi 13 trường mầm non bán công, công lập sang loại hình trường công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính. Theo đó, nhiều khó khăn, vướng mắc vẫn còn tồn tại, đòi hỏi các đơn vị, địa phương tiếp tục tháo gỡ, đáp ứng đúng lộ trình đến năm 2025 các trường hoàn toàn tự chủ tài chính.
Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị
Theo báo cáo từ Sở GD&ĐT, đến đầu năm 2024, quy mô trường, lớp thuộc 13 trường mầm non (MN) thuộc lộ trình chuyển đổi tạm ổn định và phát triển; cơ sở vật chất một số trường được cải thiện, có 4/13 trường có công trình xây mới, 6/13 trường được sửa chữa một số hạng mục, 13/13 trường mua sắm thiết bị mới, 5/13 trường được sửa chữa thiết bị hư hỏng, với tổng kinh phí thực hiện hơn 23 tỷ đồng.
Sau khi xây mới trong năm 2022, Trường MN Hoa Sen (TP Quy Nhơn) đáp ứng cơ sở vật chất, kịp thời giải quyết khó khăn của trường. Bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ, đến nay, công tác huy động trẻ tại trường từng bước ổn định hơn; việc chi trả lương cho cán bộ, giáo viên kịp thời hơn.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, thông tin: Theo kế hoạch, trong năm 2024, UBND TP Quy Nhơn dự kiến đầu tư cho Trường MN Quy Nhơn 10 phòng học và một số phòng chức năng với kinh phí thực hiện khoảng 16 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục tiến hành sáp nhập các trường chưa đủ quy mô trường, lớp theo kế hoạch.
Theo Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND, 13 trường MN diện chuyển đổi được thụ hưởng cơ chế hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên trong 3 năm; được thu học phí như các trường MN công lập tự chủ một phần về tài chính (270 nghìn đồng/tháng/trẻ). Theo báo cáo từ các địa phương, năm 2023, tỷ lệ tự chủ từ nguồn thu học phí của 13 trường đạt từ 14% đến 32,77%, tăng so với năm 2022.
Ông Phan Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, đánh giá: Tính đến tháng 3.2024, số nhóm, lớp và số trẻ của 13 trường MN đạt 110 nhóm, lớp/3.423 trẻ; tăng 11 lớp/1.073 trẻ so với năm học 2021 - 2022. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có 306 người, tăng 27 giáo viên và 12 nhân viên so với năm học 2021 - 2022. Hầu hết các địa phương đều xây dựng Đề án chuyển đổi trường MN tự chủ về tài chính sang loại hình trường công lập tự chủ, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Từ tháng 1.2022, thực hiện Quyết định số 86/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về cơ chế hỗ trợ kinh phí đối với các trường MN thuộc diện chuyển đổi có nhiều thuận lợi. Bà Võ Thị Ngọc Nữ, Hiệu trưởng Trường MN Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) cho biết, tiền học phí giảm, thuận lợi cho phụ huynh đưa trẻ đến trường, nên công tác huy động trẻ đạt hiệu quả. Trường được đầu tư sửa chữa một số hạng mục công trình và tiếp tục triển khai xây mới 10 phòng học, 8 phòng hiệu bộ.
Trường Mầm non Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) dự kiến sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trong năm 2024. Ảnh: H.T. ĐIỂM
Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Sau hơn 1 năm triển khai, việc thực hiện cơ chế hỗ trợ cho 13 trường MN chuyển đổi vẫn còn khá nhiều bất cập, hạn chế. Ông Phan Thanh Liêm cho hay, việc thực hiện Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND của các địa phương còn chậm; một số địa phương chưa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho trường MN thuộc đối tượng hỗ trợ; mức học phí đã được giảm nhưng quy mô trường, lớp của 13 trường MN vẫn tăng không đáng kể. Số trẻ ra lớp ở một số trường vẫn còn rất thấp như: Trường MN TX An Nhơn (91 trẻ), Trường MN phường Đập Đá (115 trẻ), Trường MN Hoa Sen (165 trẻ)…
Từ cuối năm 2023, huyện Phù Mỹ đã tiến hành sáp nhập Trường MN thị trấn Phù Mỹ và Trường Mẫu giáo thị trấn Phù Mỹ thành Trường MN thị trấn Phù Mỹ. Bên cạnh đó, những địa phương khác như: TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, huyện Tuy Phước có kế hoạch sáp nhập các cơ sở giáo dục không đảm bảo quy mô tối thiểu theo quy định, hoạt động không hiệu quả, theo hướng cùng một địa bàn chỉ có 1 trường MN công lập. Đến nay, TX An Nhơn và huyện Tuy Phước chưa có kế hoạch chi tiết. Riêng Trường MN huyện Tây Sơn có phương án mở rộng quy mô đủ 9 nhóm/lớp không sáp nhập.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Mỹ, nhận định, sau khi tiến hành sáp nhập, quy mô trường, lớp của Trường MN thị trấn Phù Mỹ có tăng, tỷ lệ trẻ đến lớp đạt 47% (tăng 206 trẻ so với cùng kỳ năm trước), tuy nhiên, tỷ lệ trẻ ra lớp chưa cao, vì trên địa bàn có nhiều trường tư thục nên tỷ lệ bị phân chia. Hơn nữa, nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng học phí sẽ tăng khi thực hiện tự chủ hoàn toàn về tài chính từ năm 2025, nên gửi trẻ đến các trường khác trên cùng địa bàn.
Trong tháng 4.2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành và lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan đến những tồn tại, vướng mắc trên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, rà soát, triển khai thực hiện cụ thể, khả thi với tình hình từng địa phương; chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, rà soát hoàn thiện phương án tự chủ cho các trường theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ; tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục MN không đảm bảo quy mô tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT.
HỒ THỊ ĐIỂM