Nhận diện khó khăn, đưa ra giải pháp khắc phục để phát triển KT-XH
Sáng 29.5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiếp tục diễn ra với nội dung thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Cần giải pháp nhằm sớm bình ổn giá
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh) thống nhất cao với các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Theo đó, về tình hình kinh tế, năm 2023 nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao so với một số nước trên thế giới, những tháng đầu năm 2024 đạt 5,66%, 4 trụ cột của nền kinh tế đều tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô ổn định, quốc phòng - an ninh đảm bảo, đời sống của nhân dân được cải thiện. Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống nhân dân thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia và đề án về phát triển KT-XH. Hoạt động đối ngoại tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng.
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị Chính phủ cần đánh giá, phân tích kỹ hơn về khó khăn, các nguyên nhân, dự báo tình hình... để từ đó có các giải pháp sát với thực tiễn, các chỉ tiêu, mục tiêu, kế hoạch đặt ra hằng năm. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Bên cạnh đó, trong điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, thị trường thu hẹp, chuỗi cung cầu đứt quãng, vẫn đảm bảo các nguồn thu, điều hành chính sách tài khóa hợp lý, hiệu quả. Từ đó, tạo nguồn vốn đầu tư các công trình trọng điểm, nhất là đầu tư hoàn thiện hạ tầng KT-XH, chẳng hạn đường cao tốc Bắc - Nam đi qua 45 tỉnh, thành, như Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Cả nước như một công trường”; tạo nền tảng để đất nước phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, theo ĐB Thủy ngoài những chỉ tiêu đã đạt được như trong báo cáo đã nêu, nhiều chỉ tiêu quan trọng chưa đạt được theo kỳ vọng đặt ra như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP); GDP bình quân đầu người; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội.
Trên cơ sở đó, ĐB Thủy đề nghị Chính phủ cần đánh giá, phân tích kỹ hơn về khó khăn, các nguyên nhân, dự báo tình hình... để từ đó có các giải pháp sát với thực tiễn, các chỉ tiêu, mục tiêu, các kế hoạch đặt ra hằng năm.
Bên cạnh đó, ĐB Thủy cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục có các gói hỗ trợ kích cầu, phát triển thị trường trong nước, tăng sức mua, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Bởi theo ĐB Thủy, trong những tháng đầu năm, sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn, thị trường bị thu hẹp; chuỗi cung cầu bị đứt quãng; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao; thị trường bất động sản khá trầm lắng, sức mua thấp; khả năng hấp thụ vốn của các DN vào nền kinh tế thấp.
ĐB Thủy cũng nêu thực trạng trong những tháng đầu năm, giá cả một số mặt hàng, dịch vụ tăng cao, nhất là giá vàng, giá dịch vụ hàng không… dẫn đến những tác động tiêu cực như vàng, đôla Mỹ đang trở thành ưu tiên lựa chọn dự trữ của nhiều hộ gia đình, cá nhân. Thêm vào đó, giá dịch vụ hàng không nội địa tăng cao, khó mua, du lịch nội địa khó cạnh tranh được với các tour du lịch nước ngoài.
Trên cơ sở đó, ĐB Thủy đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu các giải pháp nhằm sớm bình ổn giá trong thời gian đến. Bởi nếu không có giải pháp tốt, không sớm kiềm chế sẽ dễ dẫn tới hiện tượng “vàng hóa”, “đôla hóa” các giao dịch mua bán trong xã hội.
Ngoài ra, ĐB Thủy cũng đề nghị cần xác định nguyên nhân cụ thể đối với tình trạng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, tiến độ thi công một số công trình còn chậm. “Do thủ tục hành chính, khó khăn về giải phóng mặt bằng, hay do khả năng đáp ứng của nguồn vốn?”, ĐB Thủy nêu vấn đề.
Cần thay đổi cách đánh giá về công tác bình đẳng giới
Tham gia thảo luận về các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) năm 2023, ĐB Thủy cho biết: Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về BĐG của Việt Nam xếp thứ 72/146 nước, tăng 11 bậc so với năm 2022. Việt Nam là một trong những nước có chỉ số xếp hạng tiến nhanh về BĐG trên 4 khía cạnh chính: kinh tế, giáo dục, y tế, chính trị. Trong đó, có 11/20 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu, tuy nhiên vẫn chưa mang tính ổn định.
Quan tâm khoảng cách về thu nhập và cách đánh giá về công tác BĐG, ĐB Thủy cho rằng trên lĩnh vực kinh tế, khoảng cách giới về việc làm trong thời đại công nghệ số và mức thu nhập lao động nữ chiếm phần lớn trong những ngành thâm dụng lao động, làm việc ở các vị trí giản đơn, thiếu bền vững, nhiều nguy cơ mất việc.
Đồng thời, lao động nữ tham gia nhiều trong lĩnh vực phi chính thức, thu nhập luôn thấp hơn nam giới, công việc không được trả công của nữ giới cao hơn 1,8 lần so với nam giới.
Từ thực trạng đó, ĐB Thủy đề nghị Chính phủ cần đánh giá sâu hơn đóng góp, tác động của lao động phi chính thức, nhất là lao động nữ. Từ đó, có giải pháp về lĩnh vực lao động việc làm trong quá trình triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
“Lao động phi chính thức tồn tại như một tất yếu khách quan, là bệ đỡ của thị trường lao động khi nền kinh tế gặp khủng hoảng. Dù vậy, muốn có một nền kinh tế phát triển bền vững, không thể dựa vào thị trường lao động với tỷ lệ phi chính thức cao. Nhất là ở vùng nông thôn, cứ 100 người lao động đang làm việc thì có khoảng 78 người là lao động phi chính thức, con số này ở khu vực thành thị chỉ là 52 người. Rõ ràng, lao động ở khu vực nông thôn đang chịu nhiều yếu thế hơn so với lao động ở khu vực thành thị. Từ đó, rất dễ xảy ra các hành vi bạo lực gia đình, ly hôn trong gia đình trẻ, tệ nạn xã hội”, ĐB Thủy phân tích.
Bên cạnh đó, ĐB Thủy cũng đề nghị trong các báo cáo đánh giá về công tác BĐG cần đánh giá sâu hơn về BĐG giữa các giới với nhau, đánh giá sự tác động qua lại giữa 2 giới, hạn chế thấp nhất sự thiên lệch về đánh giá BĐG một chiều. Bởi hiện nay việc bất BĐG, việc ảnh hưởng, tác động đối với các bé trai cũng xảy ra nhiều trên các lĩnh vực. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu xây dựng dữ liệu thống kê về giới thì phải có phân tách giới cụ thể, chi tiết từng lĩnh vực để làm cơ sở sát với thực tiễn nhất cho hoạch định và thực thi chính sách.
Ngoài ra, để nâng cao vị thế của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay, để đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030, ĐB Thủy đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, nhằm giảm dần khoảng cách, tạo cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, tham gia các lĩnh vực của xã hội ngày càng thực chất hơn.
M.LÂM - H.PHÚC