Thực thi luật phòng, chống tác hại của thuốc lá: Còn nhiều thách thức
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành ở nước ta giảm trung bình 0,5%/năm, từ 47,4% xuống còn 38,9% sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tại Bình Ðịnh, dù đã triển khai nhiều hoạt động, nhưng để giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành vào năm 2025 xuống dưới 39%, đòi hỏi phải thực hiện tốt và nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Ngày 29.5, Sở Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại (PCTH) thuốc lá của tỉnh, tổ chức Hội nghị triển khai các hoạt động PCTH của thuốc lá năm 2024 và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31.5, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 - 31.5).
Vẫn khó trong giám sát và chế tài xử lý
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung, Phó trưởng Ban chỉ đạo PCTH thuốc lá của tỉnh, với hỗ trợ của Quỹ PCTH của thuốc lá (Bộ Y tế), thời gian qua Bình Định đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTH của thuốc lá; xây dựng môi trường đơn vị không khói thuốc lá, nhất là cơ sở y tế, trường học…
Hội nghị triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2024 và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31.5, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 - 31.5). Ảnh: MAI HOÀNG
Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá và thực hiện Luật PCTH của thuốc lá trên địa bàn tỉnh mới đây cho thấy, có 21,9% người tuổi từ 15 trở lên (43,4% nam giới và 0,3% nữ giới) đang hút thuốc lá; có 35,7% người lao động tuổi từ 15 trở lên không hút thuốc phải hút thuốc thụ động ở nơi làm việc. Tỷ lệ phơi nhiễm khói thuốc lá ở các cơ quan nhà nước là 38,9%, cơ sở y tế 24,5%, phương tiện giao thông công cộng 36,3%, trường phổ thông 13,1%, trường đại học 23,1% và 56% những người không hút thuốc tuổi từ 15 trở lên hút thuốc thụ động tại nhà.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện Luật đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn lực cho hoạt động này còn hạn chế; trong khi đó, nhân lực hầu hết là kiêm nhiệm, công tác phối hợp liên ngành hiệu quả chưa cao.
Trong kiểm tra, giám sát công tác PCTH thuốc lá, nhiều nơi như quán cà phê, karaoke, nhà hàng… việc thực thi Luật chưa tốt. Tỷ lệ hút thuốc có giảm nhưng chưa nhiều; tỷ lệ hút thuốc tại nơi công cộng, nơi làm việc, nơi có quy định cấm vẫn còn.Thực hiện quy định xử phạt các vi phạm liên quan đến tác hại thuốc lá theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của các đoàn kiểm tra liên ngành mới dừng ở… tuyên truyền, nhắc nhở là chính.
Thông tin thêm vấn đề này ở cơ sở y tế và cộng đồng, ông Võ Văn Cang, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (TTYT huyện Tây Sơn) cho hay, bên cạnh sự hưởng ứng của đa số người bệnh, người nhà người bệnh thì vẫn còn nhiều người chưa thực sự quan tâm đến PCTH của thuốc lá. Các khoa, phòng của bệnh viện và trạm y tế thường xuyên giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng vẫn còn một số người nhà người bệnh vẫn hút thuốc trong khuôn viên cơ sở y tế. Còn hoạt động kiểm tra, giám sát tại TTYT chỉ mang tính chất giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở nên mức độ tuân thủ của người dân và hiệu quả mang lại còn chưa cao.
Trong khi đó, ông Phan Chí Quốc Hùng, cán bộ Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT), cũng thẳng thắn rằng: Công tác truyền thông, giáo dục về tác hại của thuốc lá đã được thực hiện trong ngành, nhưng chưa thường xuyên và quyết liệt nên vẫn còn nhiều cán bộ, giáo viên và học sinh chưa nắm được các quy định của Luật.
“Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền PCTH của thuốc lá kết hợp xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm luật, phấn đấu đảm bảo một môi trường trong sạch không có khói thuốc lá”, ông Hùng chia sẻ.
Tăng các biện pháp phòng chống
Thông tin thêm về công tác PCTH của thuốc lá , ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - đơn vị đầu mối Ban chỉ đạo tỉnh cho rằng, những thành tựu trong PCTH của thuốc lá có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Điều tra thực hiện năm 2022 có 24,2% đối tượng thuộc diện điều tra từng nghe về thuốc lá điện tử; 1,7% người đang hút thuốc lá điện tử, đa số ở nhóm tuổi từ 15 - 24.
Trong kế hoạch hoạt động PCTH thuốc lá năm 2024, Bình Định xác định tăng cường việc thực thi nghiêm Luật PCTH của thuốc lá và môi trường không khói thuốc trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tiến tới giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử trong xã hội; đồng thời thực hiện việc kiểm soát mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá.
Năm 2024, Bình Định cũng ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND về thực hiện Chiến lược quốc gia về PCTH của thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá, nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra.
Ông Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh công tác PCTH thuốc lá vẫn còn nhiều thách thức rất lớn, đặc biệt là thuốc lá điện tử. Chiến lược tập trung đẩy mạnh các hoạt động tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác PCTH của thuốc lá. Xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện chiến lược; đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá vào chỉ tiêu phát triển KT-XH của địa phương theo từng thời kỳ; lồng ghép hoạt động PCTH thuốc lá vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án khác của địa phương và trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nhân rộng các mô hình xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị không khói thuốc lá.
Tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về PCTH thuốc lá; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm…
MAI HOÀNG