Bảo tồn di sản hát bội Bình Ðịnh nhìn từ thực hành văn hóa
Thực hành văn hóa bao gồm một loạt hoạt động nhằm hướng đến các chuẩn mực hành vi, nhận thức đúng đắn trong cộng đồng đối với các di sản văn hóa. Trong định hướng quản lý và phát huy vai trò của di sản nghệ thuật hát bội Bình Định, các cấp quản lý cần lưu tâm đến vấn đề hướng dẫn thực hành văn hóa trong bảo tồn các giá trị của loại hình nghệ thuật đặc biệt này.
Trước hết, hướng dẫn truyền thông về lịch sử hình thành và phát triển hát bội trong mối liên hệ với lịch sử hình thành tỉnh Bình Định, nhằm lan tỏa văn hóa địa phương, vừa khẳng định giá trị cốt lõi kiến tạo nên đặc điểm địa văn hóa nhân văn của Bình Định.
Lựa chọn những giá trị cốt lõi của nghệ thuật hát bội để giới thiệu trong các chương trình ngoại khóa ở nhà trường để di sản lan tỏa trong giới trẻ. Trong nghệ thuật hát bội, phục trang, đạo cụ và mặt nạ cùng các giá trị nhân văn, ý nghĩa văn hóa của nó là điểm sáng cần quan tâm. Những hiểu biết về các kỹ thuật hóa trang, ý nghĩa của từng đường nét trong mặt nạ, phục trang đạo cụ hát bội Bình Định sẽ tạo nên những hứng thú khám phá và lan tỏa. Trong đó, nổi bật nhất chính là mặt nạ tuồng, khuôn mặt của các nhân vật chính nghĩa, như: Phàn Định Công, Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá, Hoàng Phi Hổ, Đào Tam Xuân..., đều có thể trở thành những mặt nạ in trên các vật phẩm lưu niệm du lịch vùng “đất võ, trời văn”, cũng như giới thiệu hướng dẫn vẽ mặt nạ tại các trường học, nơi sinh hoạt cộng đồng, các sự kiện văn hóa tiêu biểu của địa phương.
Công tác thực hành văn hóa muốn đạt hiệu quả cao không thể không nhắc đến vai trò của các nghệ nhân - những người thực hành, truyền dạy di sản. Nếu chúng ta có chính sách xây dựng những nhóm, CLB kết nối giữa công chúng yêu nghệ thuật truyền thống và nghệ nhân qua các chương trình sinh hoạt nghệ thuật địa phương, giới thiệu, truyền dạy các kỹ thuật của hát bội, sẽ giúp cho công chúng hiểu rõ hơn về các vấn đề lý luận, biểu diễn và giá trị của loại hình nghệ thuật này.
Sự hiểu biết, truyền thông đúng về di sản là cách thực hành văn hóa hữu hiệu, gắn kết thực hành văn hóa với công tác bảo tồn di sản là điều kiện tiên quyết để giúp di sản được lan tỏa và có vị trí xứng đáng trong văn hóa Bình Định.
TS VÕ MINH HẢI (Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, Trường ÐH Quy Nhơn)