Môn phái Hồng Kim Nghi: Hơn nửa thế kỷ giữ gìn, phát huy di sản
Suốt 55 năm thành lập và phát triển, các thế hệ võ sư, võ sinh của môn phái Hồng Kim Nghi luôn phát huy giá trị truyền thống, giữ gìn và lan tỏa những tinh hoa võ cổ truyền Việt Nam.
Nhiều cơ duyên võ học của vị chưởng môn
Cố đại võ sư Hồng Kim Nghi (tên thật là Nguyễn Nghi, 1928 - 1988), sinh ra trong gia đình đông anh em tại làng quê nghèo ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước. Thời niên thiếu, ông đam mê võ thuật lại may mắn có thể trạng rất tốt.Nơi ông sống, thời bấy giờ, người ta truyền tai nhau có võ sư Hồng Tùng Quản (người tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) sang Việt Nam buôn bán làm ăn và truyền dạy võ thuật, ông liền đến xin bái sư học đạo. Hơn 2 năm miệt mài rèn luyện, vì chiến tranh loạn lạc, ông theo gia đình rời quê hương, chuyển xuống Quy Nhơn sinh sống. Sau đó, di chuyển lên Gia Lai mưu sinh, nghe danh võ sư Phó Kiểm Trung là người Bình Định đang sinh sống và mở võ đường tại đây, Hồng Kim Nghi đến xin thọ giáo. Dù trong điều kiện rất khó khăn, nhưng ông vẫn đam mê ban đêm học võ, ban ngày đi làm.
Hổ cước phi thân - bài quyền mang nét đặc trưng của môn phái Hồng Kim Nghi đang được các môn sinh giữ gìn. Ảnh: HUỲNH VỸ
Trên con đường “tầm sư học võ”, Hồng Kim Nghi còn được thầy Trịnh Thiếu Anh, người tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) là võ sư nổi tiếng với những đường roi tuyệt kỹ, truyền dạy trong suốt 1 năm tại Pleiku (Gia Lai). Quay về Bình Định, cơ duyên đưa ông gặp đại võ sư Kim Sang (ở Sài Gòn ra mở lớp dạy võ tại Quy Nhơn), nên đến rèn luyện chiêu thức đòn thế quyền cước và trở thành võ sĩ thượng đài nổi danh.
Để tỏ lòng biết ơn và ghi dấu ngày đầu bước vào con đường võ thuật, sau khi treo găng, mở võ đường, ông lấy họ của người thầy đầu tiên và cuối cùng để đặt tên cho võ đường là Hồng Kim Nghi.
Hiện tại, võ đường Hồng Kim Nghi do võ sư Hồng Kim Khanh - con trai cố đại võ sư Hồng Kim Nghi làm chưởng môn. Võ sư Hồng Kim Khanh kể, ở thời điểm không còn thượng đài, nhưng ông vẫn tìm tòi nghiên cứu và học hỏi các bậc võ sư, rút kinh nghiệm xây dựng chương trình tập luyện, hình thành lối đánh và đào tạo ra nhiều võ sĩ nổi tiếng. Từ những nỗ lực xây dựng định hướng chương trình huấn luyện, ra sức truyền dạy và sự luyện tập của các môn sinh, võ đường đã giành nhiều thành tích rất đáng ghi nhận, làm rạng danh môn phái.
Vang danh đất võ
55 năm trôi qua kể từ ngày thành lập môn phái Hồng Kim Nghi, nhiều thế hệ đại võ sư, võ sư, võ sinh kết thành làn sóng mạnh mẽ, đóng góp rất lớn vào sự bảo tồn và phát triển phong trào võ thuật cổ truyền Bình Định ở trong và ngoài nước.
Võ sư Hồng Kim Chỉnh (thuộc môn phái Hồng Kim Nghi) được giới võ thuật mệnh danh là “vua chỏ lật” của đất Võ Bình Định vẫn đang hết lòng truyền dạy cho học trò. Ảnh: HUỲNH VỸ
Ngày trước, trong các sự kiện, lễ hội của địa phương, cố đại võ sư Hồng Kim Nghi thường xuyên được mời tham gia biểu diễn các bài quyền của môn phái như: Song long xuất hải, Mai hoa kiếm pháp, Tứ môn phá trận… được giới chuyên môn võ thuật đánh giá cao. Năm 1974, khi tham gia ủng hộ một giải đấu tại Quy Nhơn, Hồng Kim Nghi được đại võ sư Huỳnh Tiền - một cao thủ võ đài được mệnh danh “Đệ nhất anh hùng miền Đông” mời vào thi đấu tại Sài Gòn.
Trận giao hữu giữa hai “cao thủ võ lâm” Huỳnh Tiền và “Hùm xám miền Trung” Hà Trọng Sơn tại Gia Lai năm 1983 đến nay vẫn còn được võ sư Lý Thành Nhân (ở TX An Nhơn) lưu giữ trong ký ức. Là thành viên trong Ban tổ chức và trực tiếp thuyết minh cho trận giao đấu năm đó, võ sư Lý Thành Nhân hồi tưởng: Năm đó, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tham dự và cùng Ban tổ chức chọn trọng tài cho trận đấu. Người đầu tiên được chọn là thầy Hoàng Thọ, nhưng ông từ chối vì cảm thấy không đủ khả năng. Sau đó, võ sư Hồng Kim Nghi được mời làm trọng tài và gây ấn tượng bởi sự công tâm trong công tác điều khiển, linh động trong mọi tình huống làm cho đêm thi đấu hấp dẫn hơn.
Từ thập niên 60 đến thập niên 70 của thế kỷ trước, môn phái Hồng Kim Nghi đã đào tạo ra nhiều võ sĩ xuất sắc như: Hồng Kim Huỳnh, Hồng Kim Tây, Hồng Kim Phụng, Hồng Kim Đồng… Tiếp đó là thế hệ của các võ sĩ: Hồng Kim Điệu, Hồng Kim Quyền, Hồng Kim Quế… (thập niên 75 - 80); Hồng Kim Minh, Hồng Kim Chỉnh, Hồng Kim Toàn, Hồng Kim Thanh, Hồng Kim Hùng, Hồng Kim Hương… (thập niên 80 - 85). Một trong những tay đấm lừng danh ở thập niên 1990 của môn phái Hồng Kim Nghi là đại võ sư Bùi Trung Hiếu, hiện là Phó Giám đốc Sở VH&TT, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Bình Định.
Trong lễ kỷ niệm 55 ngày thành lập môn phái Hồng Kim Nghi tổ chức giữa tháng 5 vừa qua, võ sư Hồng Kim Khanh, chia sẻ: Môn phái được thành lập như mái nhà chung của những môn sinh đam mê thượng đài. Là thế hệ tiếp nối, các môn đệ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tiếp tục ra sức truyền thụ tinh hoa, luyện tập để giữ gìn nét độc đáo của môn phái và góp phần đưa võ thuật cổ truyền Bình Định ngày càng phát triển.
HUỲNH VỸ