Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Hè Thu 2024: Linh hoạt theo điều kiện từng vùng
Nắng nóng kéo dài khiến lượng nước trong các hồ chứa giảm mạnh. Để đảm bảo vụ sản xuất Hè Thu 2024 thắng lợi, ngành nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.
Phù Cát là một trong các huyện có diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá lớn của tỉnh; trong đó, đất lúa gần 895 ha và 297 ha đất trồng mì, tập trung ở các xã Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Hanh, Cát Hải… Giống cây trồng huyện tập trung chuyển đổi chủ yếu là cây bắp, đậu phụng, mè và rau các loại.
Những ngày này, chị Trần Thị Kim Thoa (ở thôn Tân Thắng, xã Cát Hải, huyện Phù Cát) tất bật nhổ cỏ và chăm sóc 1,5 sào đậu phụng vụ Hè Thu. Trước đây, trên diện tích đất này chị chỉ trồng lúa 3 vụ/năm, song hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2023 đến nay, chị chuyển sang canh tác 1 vụ lúa và 2 vụ đậu phụng.
Chị Thoa thổ lộ: Trước đây, một năm tôi trồng 3 vụ lúa, thu khoảng 1,2 tấn lúa khô, với giá bán 9.000 đồng/kg thì thu về 10 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiền công chăm sóc, thu hoạch, gần như không có lãi. Nhưng chuyển sang trồng 1 vụ lúa và 2 vụ đậu phụng trong năm, tôi thấy hiệu quả đem lại thấy rõ. Nhẩm tính với 2 vụ đậu phụng sẽ thu khoảng 1,1 tấn đậu phụng tươi, với mức giá từ 14.000 - 16.000 đồng/kg, lãi gần 17 triệu đồng, gấp đôi so với trồng lúa. Trong điều kiện cảnh nắng hạn gay gắt như hiện nay, việc chuyển đổi này vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất, nước tưới.
Chị Trần Thị Kim Thoa (ở thôn Tân Thắng, xã Cát Hải, huyện Phù Cát) chuyển đổi 1,5 sào đất trồng lúa sang trồng đậu phụng. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tương tự, vụ Hè Thu năm nay, ông Lê Văn Đường (ở thôn Thái Phú, xã Cát Tài, huyện Phù Cát) cũng chủ động chuyển đổi 1,5 sào đất trồng lúa sang trồng cây đậu phụng, vì không đủ nước tưới. Theo UBND xã Cát Tài, vụ Hè Thu này, xã thực hiện chuyển đổi 150 ha đất trồng lúa thiếu nước tưới sang trồng cây đậu phụng, cây bắp và cây mè.
Có thể thấy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong tỉnh ngày càng được tổ chức chuyên sâu hơn, phù hợp với từng vùng sản xuất. Các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh tập trung phát triển vùng sản xuất cây đậu phụng, cây mì… Huyện Hoài Ân, An Lão tập trung phát triển cây ăn quả.
Ông Võ Văn Tín, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân cho hay: Vụ Hè Thu năm nay, toàn huyện đã chuyển đổi 450 đất trồng lúa thiếu nước sang trồng các loại cây trồng cạn (bắp, đậu phụng, rau và cỏ chăn nuôi). Trước đó, nông dân trong huyện có xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị, năng suất và chất lượng sản phẩm, chủ yếu là chuyển đổi cây lúa trên đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái, rau màu có hiệu quả kinh tế cao như: Dừa xiêm, bưởi da xanh… gắn với xây dựng mã số vùng trồng, sản phẩm OCOP.
Theo Sở NN&PTNT, các địa phương đã chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất cây trồng vụ Hè Thu 2024 trong điều kiện nắng nóng kéo dài, nguồn nước tưới ở các hồ sụt giảm nhanh. Trong đó, chuyển đổi 2.814 ha đất trồng lúa thiếu nước tưới sang sản xuất cây trồng cạn; đồng thời chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm cho gần 4.420 ha.
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho biết: Hiện nay, nông dân vừa chuyển đổi cây trồng phù hợp theo mùa vụ, vừa áp dụng các tiến bộ KHKT, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất. Đơn cử ở một số vùng trồng cây trồng cạn trong tỉnh, trong đó có huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân hay TX Hoài Nhơn, nông dân đã áp dụng nhiều hình thức tưới tiên tiến, tiết kiệm nước bằng công nghệ tưới phun mưa cho cây đậu phụng và cây hành; tưới nhỏ giọt cho cây ớt…
Theo dự báo, thời tiết mùa hè năm nay còn nhiều đợt nắng nóng kéo dài, nên lượng nước tích trữ trong các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh sẽ giảm đáng kể, có nguy cơ thiếu nước tưới cho sản xuất vụ Hè Thu. Ngành nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý tốt nguồn nước, sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất, bảo đảm thu nhập cho nông dân.
TRỌNG LỢI