Tạo đà cho thanh niên khởi nghiệp
Thời gian qua, Huyện đoàn An Lão đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực để đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên làm kinh tế, lập nghiệp và khởi nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (ở thôn Trà Cong, xã An Hòa) là một trong những gương thanh niên vượt khó tiêu biểu vươn lên làm giàu từ nghề may gia công. Chị Tuyết chia sẻ, những năm đầu khi mới lập gia đình, vợ chồng chị phải xa quê để đi làm tại một xưởng may ở TP Hồ Chí Minh. Năm 2016, vợ chồng chị quyết định về quê, gom góp tiền tiết kiệm mua lại 4 máy may cũ và mở một xưởng may gia công nhỏ, chuyên nhận hàng của các công ty về làm.
Huyện đoàn An Lão trao bảng tượng trưng hỗ trợ 2 máy may cho chị Nguyễn Thị Tuyết. Ảnh: Huyện đoàn An Lão cung cấp
Nhận thấy nghề may gia công có tiềm năng, năm 2017, qua sự tư vấn của Xã đoàn An Hòa, chị đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện mua thêm 6 máy may mới, tuyển thêm nhân công làm việc. Hiện, trung bình một tháng xưởng may của chị hoàn thiện 10 - 12.000 sản phẩm, với giá gia công 7 - 12.000 đồng/sản phẩm, chị đạt lợi nhuận gần 20 triệu đồng/tháng.
Chị Tuyết cho hay: “Mới đây, tôi được Huyện đoàn quan tâm, hỗ trợ thêm 2 máy may mới. Tôi sẽ đào tạo thêm công nhân, vay thêm vốn để mua máy móc mới. Từ đó, nhận thêm các đơn hàng gia công giá trị cao để tăng thêm lợi nhuận, nâng cao thu nhập cho người lao động”.
Không chỉ vượt khó, thoát nghèo, nhiều ĐVTN đã trở thành gương tiêu biểu về phát triển kinh tế, như anh Nguyễn Mạnh Cường (ở xã An Tân) khởi nghiệp thành công từ nghề chạm khắc gỗ, thu nhập đạt gần 150 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương; anh Nguyễn Văn Diện (ở thị trấn An Lão) thành công với mô hình nuôi gà, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm...
Theo Bí thư Huyện đoàn An Lão Đinh Văn Nghin, năm 2023, Huyện đoàn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định tổ chức 14 hoạt động truyền thông tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm lưu động cho hơn 900 ĐVTN; vận động 30 thanh niên đi xuất khẩu lao động; 9/10 đoàn xã, thị trấn có nguồn vốn ủy thác, có 22 tổ tiết kiệm và vay vốn với gần 1.000 hộ vay, tổng dư nợ hơn 64 tỷ đồng; hỗ trợ hằng trăm cây, con giống cho thanh niên...
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường rà soát, nắm bắt nhu cầu của các ĐVTN để phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn, tập huấn, chuyển giao KH-KT; tạo điều kiện để thanh niên được tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, lựa chọn những mô hình kinh tế tiêu biểu để giới thiệu cho ĐVTN tham quan, học tập và thực hiện tại địa phương”, anh Nghin cho biết.
TRIỀU CHÂU